(GDVN) - Theo ông Thành, trong giai đoạn 2007-2013, tổng kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau vốn FDI), và lớn hơn cả vốn ODA đã giải ngân.
“Phao cứu sinh”
Nhân dịp Western Union, hãng dịch vụ chuyển tiền kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo và công bố “Nghiên cứu toàn cảnh về kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”
Theo đó tính đến nay nguồn tiền kiếu hối gửi về Việt Nam đã vượt 90 tỉ đô-la Mỹ và nó đang trở thành phao cứu sinh cho nhiều doanh nghiệp, và là nguồn tài chính rất quan trọng với nhiều gia đình ở Việt Nam.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, trong giai đoạn 1991-2013, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm đã tăng trưởng trung bình 38,6%/năm, với tổng giá trị kiều hối là 80,4 tỉ đô la Mỹ, chưa tính lượng kiều hối năm nay 2014, dự kiến vào khoảng 11-12 tỉ đô la Mỹ.
TS Nguyễn Trí Thành trong buổi công bố báo cáo tác động dòng kiều hối với kinh tế-xã hội Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Trong đó Mỹ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất. Trong giai đoạn 2010-2012, kiều hối từ Mỹ chiếm tới 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Trong cùng kỳ, các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (chiếm khoảng 9%), Canada (8,4%), Đức (6%), Campuchia (4%), và Pháp (4%).
Theo ông Thành, trong giai đoạn 2007-2013, tổng kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau vốn FDI), và lớn hơn cả vốn ODA đã giải ngân. “Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nhận định.
Nguồn tiền kiều hối được tăng dần qua từng năm, năm 2008 kiều hối của Việt Nam đạt 6,81 tỉ USD, 2 năm sau tăng lên 8,26 tỷ USD, năm 2012 tăng lên 10 tỉ và năm 2013 là 11 tỉ USD chiếm 8% GDP. Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển gặp nhiều khó khăn, nguồn kiều hối có vai trò quan trọng giúp tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm gánh nợ, giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, giúp ổn định tỉ giá, cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối.
Bên cạnh đó CIEM tiến hành một loạt nghiên cứu khảo sát, từ đó chỉ ra con số nhấn mạnh tầm quan trọng của kiều hối với đời sống của một bộ phận người dân. Cụ thể CIEM khải sát với hàng trăm người ở bảy tỉnh, thành phố ở Việt Nam, khoảng 16% người tham gia khảo sát cho biết dòng tiền kiều hối chảy vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất; khoảng 17% số người tham gia cho biết tiền kiều hối chiếm đến 80% tổng thu nhập gia đình họ.
Có đến 40% số người tham gia khảo sát cho biết, tiền kiều hối đóng vai trò “quan trọng” và “rất quan trọng” đối với đời sống gia đình họ.
Từng bị xem xét đánh thuế
Đóng góp lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên nguồn tiền kiều hối từng bị đưa ra xem xét thảo luận về việc có nên đánh thuế thu nhập cá nhân với những đối tượng nhận kiều hối từ nước ngoài gửi về.
Cụ thể tại dự thảo Luật thuế Thu nhập cá nhân năm 2007, từng có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung khoản thu nhập từ kiều hối vào thu nhập chịu thuế để đảm bảo công bằng với người có thu nhập từ các nguồn khác.
Thời điểm đó Đoàn Đại biểu Quốc hôi TP. Hà Nội đưa ra nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh thuế thu nhập từ kiều hối. Đại biểu Phạm Thị Loan bày tỏ: "Khoản kiều hối cũng là một nguồn tiền kiếm được, chỉ khác là từ nước ngoài. Người nhận tiền sẽ có nhiều cơ hội đầu tư, cơ hội làm ăn hơn thì lẽ đương nhiên phải đánh thuế. Có như vậy mới đảm bảo công bằng với những người lao động trong nước", ĐB Phạm Thị Loan đề xuất.
Kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh chính thức Western Union ngày càng nhiều. Ảnh: Lã Anh |
Tuy nhiên khi đó quan điểm của Bộ Tài chính là nếu thu thuế đối với khoản thu nhập này, kiều hối có thể sẽ không được chuyển qua ngân hàng, vừa không thu được thuế, vừa không quản lý được và ảnh hưởng đến nguồn vốn phát triển kinh tế.
Trước đó từ năm 2000, Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao đã bỏ việc thu thuế đối với loại thu nhập này.
Sau rất nhiều ý kiến cuối cùng Luật thuế Thu nhập cá nhân năm 2007 đã đưa kiều hối vào loại thu nhập không phải chịu thuế. Đây được xem là bước mở khiến nguồn kiều hối chỉ khoảng 5 tỉ USD năm 2007 nâng lên 6,81 năm 2008 và tăng dần theo các năm.
Theo Ủy ban Người Việt Nam ở Nước ngoài, kiều hối vào Việt Nam đã tăng dần qua các năm ở mức cao. Một trong những nguyên nhân chính khiến kiều hối gửi về Việt Nam tăng nhanh do cơ hội đầu tư và chính sách thông thoáng.
Với GDP bình quân đầu người ước đạt gần 2.000 USD, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, cơ hội đầu tư vào Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới phát triển như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, giáo dục, y tế đã tạo sức hút với kiều bào, chính vì vậy kiều hồi được gửi về ngày một nhiều.
Ngoài ra việc số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng tăng lên do hàng năm có thêm hàng trăm nghìn người ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình… hình thành các cộng đồng người Việt Nam tại một số địa bàn mới ở châu Á, Trung Đông, châu Phi. Cùng với việc dịch vụ ngân hàng thuận tiện hơn trong việc xử lý giao dịch kiều hối dẫn đến nguồn tiền kiều hối chảy về Việt Nam ngày một tăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét