Kiến Giang/ Một thế giới
Ông Hoàng Văn Nghiên |
Cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên được thành phố cho thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa trên thửa đất rộng 411 m2 với giá chỉ gần 460 nghìn đồng/tháng. Con số này rẻ hơn rất nhiều số tiền công nhân và người nhập cư phải bỏ ra hàng tháng để thuê phòng trọ chật hẹp. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của vấn đề.
Thực chất, nếu xuôi chèo mát mái, căn biệt thự này có thể đã thuộc sở hữu của gia đình ông Nghiên. Từ vụ ông Trần Văn Truyền đến ông Hoàng Văn Nghiên phơi lộ một thực tế gây bức xúc: Nhà đất công lấy rất dễ!
Hợp đồng ban đầu trong thời hạn 3 năm (từ ngày 20.7.2001 đến 20.7.2004) thể hiện rõ diện tích nhà được thuê là 185,6 m2 nhà trên tổng cộng 410,9m2 đất. Cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ phải trả tiền thuê nhà, không phải trả tiền thuê đất, với giá thuê ưu đãi là: 2.476 đ/m2/tháng.
Như vậy tổng số tiền ông Nghiên phải trả để thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa chỉ có 459.688 đồng/tháng. Con số này chỉ bằng khoảng ¼ số tiền công nhân hoặc người nhập cư chi trả hàng tháng để có chỗ ở trong phòng trọ rộng chừng 12m2.
Không bức xúc sao được khi phần đông người Hà Nội chen chúc trong những căn nhà hộp diêm với chi phí đắt đỏ thì gia đình ông Nghiên sử dụng biệt thự hoành tráng mà chỉ cần bỏ ra không đến…10 tô phở!
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hợp đồng của Công ty kinh doanh nhà số 2 (nay là Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) với ông Hoàng Văn Nghiên, đã hết hạn từ ngày 20.7.2004 nhưng gia đình ông Nghiên vẫn sử dụng từ đó đến nay.
Và điều khó hiểu hơn là năm 2006 dù đã có quyết định thu hồi nhưng năm 2013 Sở Xây dựng Hà Nội đã bút phê đề xuất cho ông Nghiên tiếp tục thuê (!). Thực tế, người đứng tên thuê là ông Nghiên nhưng ông ở nơi khác và căn biệt thự này gia đình con trai ông sử dụng.
Vì sao hết hợp đồng nhưng ông Nghiên vẫn tìm cách sử dụng ngôi biệt thự này? Điều này khiến nhiều người không thể nghĩ khác rằng mục đích chính của ông Nghiên có thể là “tìm cách” hóa giá để sở hữu căn biệt thự!
Cần biết rằng, khi đã rời chức Chủ tịch UBND TP, ông Nghiên có đơn xin hóa giá căn biệt thự theo Nghị định 61/CP và đã được một số cơ quan chức năng của thành phố đồng tình.
Tuy nhiên, sau đó, việc hóa giá không thành, do báo chí thông tin, khẳng định căn biệt thự này không thuộc diện được hóa giá. Nếu không có sự phanh phui vào cuộc của báo chí, có lẽ căn biệt thự đã nghiễm nhiên thuộc về ông Nghiên.
Có điều sau khi “nuốt không trôi”, việc gia đình ông cố làm mọi cách sử dụng căn biệt thự không có cách giải thích nào khác ngoài việc…câu giờ chờ cơ hội?.
Từ vụ việc ông Trần Văn Truyền đến ông Hoàng Văn Nghiên cho thấy một công thức chung. Đó là cố thuê nhà công trong một thời gian dài sau đó xin hóa giá. Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thuê căn nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM và sau đó xin hóa giá cho con gái mình. Ông Nghiên thuê căn biệt thự nhưng thực chất là con trai ông sử dụng.
Cả hai vụ việc đều cho thấy rõ các cơ quan quản lý rất dễ dàng xét duyệt việc cho thuê hoặc hóa giá nhà đất công mặc dù hoàn toàn sai đối tượng và điều kiện.
Lại phải nhắc rằng, quy định về hóa giá nhà đất công theo Nghị định 61/CP là rất chặt chẽ, thậm chí nghiêm ngặt. Việc cơ quan quản lý “xé luật” để cho thuê hoặc hóa giá bừa bãi chỉ có thể giải thích là do cả nể hoặc quan hệ lợi ích.
Nó cho thấy một tư duy nguy hiểm, xem nhà đất công như "của chùa", vô tư lấy, vô tư dùng như món quà biếu xén. Việc quản lý nhà đất công và các chế tài vi phạm, trách nhiệm cá nhân gần như đang bị thả nổi.
Từ đây, một câu hỏi nóng bỏng của công luận cần được trả lời: Số tài sản công diện này trên cả nước là bao nhiêu? Và có bao nhiêu ông Nghiên và ông Truyền khác chưa bị phơi lộ?
Biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Việc con trai ông Nghiên sử dụng biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa là sai nguyên tắc. Ảnh: TP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét