Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Tuấn Khanh: Lắng nghe thanh âm

Tuấn Khanh
6-2-2015
Những ngày gần đến Tết âm lịch con Dê của Việt Nam, người ta bắt gặp nhiều lời xin lỗi trên các dòng tin thời sự. Trong đó, những lời xin lỗi được đưa ra từ nhiều sự kiện khác nhau, nhưng mô tả được các góc nhìn đẹp nhất còn lại về con người trong thế kỷ đang lụi tàn này.  
 
Khác với những quốc gia khác, người Nhật khi có con tin bị giết bởi phiến quân IS ở Trung Đông, sự kiện đầu tiên được thấy từ đất nước mặt trời mọc là lời xin lỗi trên truyền hình. Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã khóc trong bài diễn văn và xin lỗi người dân của mình vì nỗ lực hành động ngoại giao thất bại. Gia đình của nạn nhân cũng xuất hiện để xin lỗi cả nước vì đã làm phiền tâm trí của mọi người trong những ngày qua. Với những lời xin lỗi đó, cái chết và áp lực khủng bố đã trở nên tầm thường trước ý nghĩa của một thái độ văn minh. Con người tức khắc xác lập được giá trị cao quý của mình trong thời buổi đang quá hỗn mang, thời mà lời dạy bác ái của các Đấng tối cao tâm linh đôi khi cũng dễ dàng trở thành những dấu hỏi hoang mang.
Trong thế giới giải trí, cũng đã có một lời xin lỗi khác đáng chú ý. Đạo diễn của phim thiếu nhi Frozen, bà Jennifer Lee mở lời xin lỗi trên các tờ báo lớn vì việc trẻ em say đắm bài hát Let It Go trong phim đến mức giới phụ huynh phải phàn nàn. Lý do ái ngại của bà Jennifer Lee là thay vì cả năm dính chặt với bài hát Let It Go, trẻ em có quyền được hưởng thụ và làm quen với nhiều điều mới mẻ khác hơn là nghiện chỉ một sản phẩm từ công nghiệp giải trí. Dù trong ngành thương mãi, đó là một thành công đáng tự hào, nhưng ở cấp độ văn minh khác, người ta vẫn thấy sự bất bình thường trong việc chiếm dụng tình cảm, tư duy của người khác giữa thời đại đa chiều. Đối chiếu bản tin này với cuộc đời chung quanh mình, gần nhất là ở Việt Nam, dường như có cái gì đó thật mỉa mai. Kinh nghiệm về những sự cao quý, chúng ta vẫn còn phải đi tìm, vẫn còn phải chiêm ngưỡng xa xôi ở đâu đó. Còn ở thế giới thật của chính mình, con người đang vì quyền lợi, vì quyền lực mà huỷ diệt nhau, âm mưu hãm hại nhau với nụ cười lạnh.
 
Nếu để nói một lời xin lỗi, bạn nghĩ ở Việt Nam ai sẽ nên mở lời? Những quan chức nhà nước trong cuộc chạy đua giữ ghế trong năm của mình đã nói vô số điều lố bịch và mị dân. Chỉ cần trích lại từ nguồn báo chí nhà nước đăng tải trong suốt năm qua, người dân có thể nhìn nhau, cười đủ dài trong ngao ngán. Đã chẳng có ai biết xin lỗi. Hãy nghe điều họ nói, và hãy nhìn điều họ làm. Những lời xin lỗi tầm thường và chân thành như đang kéo nhau rời bỏ đất nước này vậy. Giao thông, y tế, giáo dục, pháp luật… những người cầm nắm dường như đã quá tự mãn để có thể thốt lên một lời xin lỗi về hiện trạng đất nước mà họ là một trong những tác nhân quan trọng gây nên.
 
Những vụ án oan của Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng… bày ra các góc khuất của pháp luật Việt Nam. Vụ án đánh chết anh Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên dù xử xong, luật sư vẫn còn bị lơ lửng tình trạng bị bức hại… chẳng có ai thấy mình cần xin lỗi trước trước sự phẫn uất của nhân dân. Cuối tháng 1/2015, ngay đến việc nhân danh và lạm quyền như loại cường hào ác bá để đập cây cầu của dân chúng tự làm nhằm giúp trẻ con không gặp hiểm nguy, chính quyền của một quận ở Sài Gòn vẫn không nhận ra rằng họ đang ở đâu trong sự khinh ghét của dân chúng, và cũng không thấy rằng mình cần phải nói một lời xin lỗi của con người. Sự tự mãn và xem thường nhân dân của giới cầm quyền đang thật sự trở thành một vấn nạn.
 
Rồi lại mới đây, chuyện con ruồi trong chai nước uống của nhà sản xuất hoá chất đóng chai lừng danh ở Việt Nam đang làm xôn xao mọi người. Ngoài chuyện biến một thoả thuận dân sự của anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang thành một vụ án tống tiền, nhà sản xuất Tân Hiệp Phát đã từng lướt qua rất nhiều vụ bê bối trong sản phẩm của mình, mà kết quả là những người có bằng chứng về sai lầm trong sản phẩm của công ty này đều vào tù. Sự thật bị giấu nhẹm trong các mối quan hệ ma quỷ đang lớn dần trên đất nước. Nực cười trong chế độ được ca ngợi là đứng về phía dân nghèo, lại có loại thẩm phán như Phạm Công Hùng có thể mạnh miệng tuyên bố bảo vệ kẻ có tiền và quyền rằng “một con ruồi trong chai chỉ là một sơ xuất”. Người đòi bồi thường thiệt hại cho mình thì bị chính người trong hệ thống nhà nước gài bẫy là tống tiền và cho đi tù. Suy cho cùng, có những loại người trong xã hội này dù có cất lời xin lỗi cũng chẳng ai muốn nghe vì quá trơ trẽn, đáng khinh bỉ.
 
Thế giới đang cố chữa lành cho nhau bằng sự chân thành và nhận lỗi. Nhưng hãy lắng nghe quanh mình, đâu đây như chỉ rộn rã tiếng tranh giành nhau, lời dối trá và sự hãnh tiến của một xã hội đầy ảo vọng thăng tiến, vun vén quyền lực để áp đặt lên chính đồng bào mình. 
 
Những người cầm bút Việt Nam đã đi qua thêm một năm nhiều biến động, mà trong đó, nhiều sự thật chìm dần trong tuyệt vọng. Cũng có thể họ đã bất lực nhìn sự thật vuột khỏi tầm tay mình trong một nền báo chí nhiều uẩn khúc hậu trường, cũng có thể họ chính là một trong những kẻ đã tự tay bóp chết sự thật. Một năm lại hết. Tôi lại cầm cây bút của mình lên và lắng nghe những thanh âm ngày mới. Trong đó phải chăng đang có lời xin lỗi, của ai đó hay của chính tôi?

Không có nhận xét nào: