TP - Lâu không gặp nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người Cao tuổi, tôi gọi điện thì luôn “ngoài vùng phủ sóng”. Đến tận phòng làm việc, gặp trực tiếp, ông bảo: “Báo chống tiêu cực hăng quá, nên mình bị nhắn tin khủng bố dọa giết liên tục, phải thay số”...
TBT Kim Quốc Hoa chỉ đạo phóng viên qua điện thoại thu thập tài liệu để chống tiêu cực. |
5 năm phanh phui 1.500 vụ tiêu cực, tham nhũng
Tôi biết ông vừa trải qua những ngày tháng căng thẳng khi mà báo Người Cao tuổi “đối đầu” với ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến. Cuộc chiến của một tờ báo “người già” với nữ doanh nhân đầy thế lực, từng lọt vào tốp người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán, chủ tịch tập đoàn Tân Tạo, tưởng chừng không cân sức.
Trong vòng 9 tháng, với hơn 20 bài báo liên tục đăng tải, báo đã có lúc phải xin lỗi cải chính vì một số chi tiết thiếu chính xác.
Cuối năm 2011 tập đoàn Tân Tạo của bà Yến thuê luật sư chính thức kiện Tổng biên tập Kim Quốc Hoa ra tòa. Sức ép từ nhiều phía, những lời đe dọa “cho bay cái ghế TBT”, nhưng Kim Quốc Hoa vẫn không nản lòng.
Mái tóc ông đã bạc đi nhiều, nhưng giọng vẫn đầy chất thép: “ Làm báo chống tiêu cực, tham nhũng, nếu TBT “nản lòng” coi như “hết phim”.
Khi nhận được thư “nặc danh” cho biết bà Hoàng Yến từng là đảng viên nhưng lại khai nữ doanh nhân ngoài đảng để ứng cử ĐBQH, tôi đã hai lần lặng lẽ vào TPHCM cùng phóng viên trực tiếp đi xác minh thông tin trên.
Lọ mọ nhiều ngày, khi đã xác minh được sự thật, tôi mới có văn bản kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Sự kiện nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi miễn tư cách ĐBQH đã làm nổi sóng cả nghị trường và ồn ào trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trong đó công lớn thuộc về báo Người Cao tuổi.
Dạo này, nhiều người đọc báo đã nhận xét: tờ báo của người già lại có vẻ “chịu chơi” chiến đấu chống tiêu cực tham nhũng hơn cả báo của người trẻ.
Và “lão tướng” Kim Quốc Hoa chỉ huy nhiều trận đánh chống tiêu cực, ban đầu cứ tưởng như đánh nhau với cối xay gió, nhưng rốt cuộc đều giành phần thắng.
Trong 5 năm qua, báo Người Cao tuổi đã phanh phui trên 1.500 vụ việc tham nhũng. Báo phản ánh tiêu cực tham nhũng từ cấp xã phường, đến cấp Trung ương.
Điển hình như loạt bài Công ty Xây dựng Bến tre, “Một vụ án vắt ngang hai thế kỷ”, giúp cho hàng trăm công nhân được minh oan và đòi lại quyền lợi, những kẻ tham nhũng phải trả giá.
Gần đây nhất là loạt bài “Chủ tịch tỉnh Hà Giang coi thường pháp luật” làm chấn động dư luận xã hội.
Tôi thấy nếu để chủ quản của mình vừa lòng thì phải tròn trịa, khuôn lại thôi. Thế là tôi viết đơn xin từ chức. Trước đó chưa có TBT nào từ chức như tôi .
|
Từ đó, Kim Quốc Hoa chỉ đạo PV đi sâu đề tài về sai phạm đất đai. Báo Người Cao tuổi đã đăng hơn 1.200 vụ việc liên quan đến đất đai, vạch trần những quyết định thu hồi đất trái pháp luật, đền bù rẻ mạt, cưỡng chế vô lối... 1.200 vụ việc đều đảm bảo thông tin chính xác, khiến cho không ít cán bộ trung, cao cấp bị kỷ luật, một số vụ khởi tố...
Nhưng để có từng ấy bài báo chống tham nhũng tiêu cực, Kim Quốc Hoa đã phải đối diện với hàng chục vụ kiện ra toà, không ít tổ chức cá nhân làm đơn đòi “xử lý” TBT báo Người Cao tuổi, rồi tin nhắn dọa giết, thư nặc danh, điện thoại khủng bố đủ cả.
Đã dấn thân vào cuộc đấu này thì phải chấp nhận bầm dập thương tích, nhưng thật lạ, ở tuổi gần thất thập cần nghỉ ngơi thì lão tướng Kim Quốc Hoa vẫn xung trận vào chốn mũi tên hòn đạn.
Kỷ lục: làm quản lý 6 tờ báo
Trong chuyến bay sang Thái Lan cách đây vài năm, tôi tình cờ ngồi cạnh ông. Trò chuyện mới hay ông tên thật là Nguyễn Quốc Hoa từng tình nguyện đi miền núi xây dựng kinh tế mới, làm công nhân nông trường Quốc doanh Hữu Lũng- Lạng Sơn và phải lòng cô y tá xinh đẹp Đỗ Kim Hoa.
Chuyện tình ngắn ngủi, khi Quốc Hoa vào bộ đội thì cô gái nông trường cưới một người thợ lái máy cày. Nhưng chàng trai có tâm hồn lãng mạn đã làm nhiều thơ tặng cô gái với bút danh Kim Quốc Hoa (ghép tên hai người). Cũng từ đó, Kim Quốc Hoa trở thành họ tên thường dùng...
Tôi ngạc nhiên khi hay người có cái tên Kim Quốc Hoa đã trải qua cuộc đời làm báo đầy thăng trầm và chắc vẫn đang giữ kỷ lục: làm quản lý 6 cơ quan báo chí - ở Việt Nam chắc có một không hai.
Từ một chiến sỹ chống Mỹ trên đường Trường Sơn, Kim Quốc Hoa làm thơ đoạt giải 3 cuộc thi “Bộ đội hậu cần hướng ra tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”.
Nhờ thế, Quốc Hoa trở thành phóng viên rồi sau đó được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập phụ trách tờ Chiến sỹ Hậu cần.
Năm 1990, tờ báo Tuổi trẻ Thủ Đô đang khủng hoảng, nợ nần chồng chất. Thành đoàn Hà Nội xin ý kiến ông Phạm Thế Duyệt- Bí thư Thành ủy mời trung tá Kim Quốc Hoa về làm TBT nhưng giấu nhẹm, không cho biết tình trạng của báo.
Trung tá Kim Quốc Hoa đã nhanh chóng thích nghi với việc làm báo thị trường, chỉ trong một thời gian ngắn đưa số lượng phát hành từ 1.200 bản/kỳ lên 6.000 bản rồi 2 vạn bản mỗi kỳ.
Tòa soạn trả hết nợ, ăn nên làm ra và còn xin được dự án xây trụ sở mới ở 19 Lý Thường Kiệt. Đúng lúc đó thì ông lại ra đi. Nhà báo Kim Quốc Hoa
kể tiếp:
kể tiếp:
“Anh hùng LLVTND Trịnh Tố Tâm vốn là bạn học phổ thông vừa thôi làm Bí thư Trung ương Đoàn được Bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội đã mời tôi về giúp bộ thành lập tờ báo ngành. Lời đề nghị làm tôi bối rối vì Thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm lúc ấy cũng mời tôi đến nhà riêng ngỏ ý muốn tôi về thành lập báo Ngân hàng. Nể bạn tôi về làm Phó TBT phụ trách báo Lao Động Xã hội, từ không đến có, lượng phát hành đã lên 2-3 vạn. Lúc đó, Bộ Xây dựng muốn xuất bản tờ báo ngành, Bộ trưởng Ngô Xuân Lộc đã 4 lần gặp tôi để chiêu mộ. Nể quá, tôi nhận lời mời làm giúp Bộ Xây dựng một đề án ra báo. Đề án này được Bộ thông qua và nêu rõ: Ai là tác giả đề án thì mời người đó về làm TBT. Tháng 8 năm 1997, tôi về làm TBT báo Xây dựng, trụ sở ban đầu là ga-ra ô tô cũ”.
Sau khi về hưu, Kim Quốc Hoa lại sáng lập và làm TBT tờ Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài và làm TBT hai năm trước khi Hội người Cao tuổi mời về làm TBT báo Người cao tuổi đang trong thời gian khó.
Nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn, ông “lột xác” tờ báo, tăng trang, tăng kỳ, tăng lượng
phát hành.
phát hành.
Từng quản lý 6 cơ quan báo chí, ở tờ nào Kim Quốc Hoa cũng dấn thân chống tiêu cực tham nhũng, như một phẩm chất đã thành “thương hiệu”.
Ngay cả khi biết tiêu cực trong quân đội là “vùng cấm”, Kim Quốc Hoa vẫn viết loạt bài phản ánh về cán bộ tham ô tiêu chuẩn chiến sỹ, những tiêu cực trong quản lý, phân phối nhà ở khu tập thể Nam Đồng, đụng chạm đến 6-7 vị tướng. Chống tiêu cực nên cũng bị “ăn đòn” nhiều trận cho đến giờ ông vẫn nhớ:
“Có bà giám đốc (vợ cán bộ cao cấp) tuyên bố bỏ tù Kim Quốc Hoa, nhưng tôi không bị tù mà bà bị mất chức. Có lần về nhà vợ đưa mảnh giấy kẻ nào viết dọa sẽ ném mìn vào nhà. Ở báo Tuổi trẻ Thủ đô tôi bị hai bà giám đốc khách sạn Thống Nhất và Khăn quàng đỏ kiện cho “lên bờ xuống ruộng". Ông Phạm Thế Duyệt- Bí thư Thành ủy Hà Nội khuyên tôi nên thận trọng vì là chỗ “nhạy cảm”. Ở báo Lao động Xã hội, tôi phản ánh ông Cục trưởng Ngoại giao đoàn có tiêu cực, vợ ông ta đến cửa phòng Bộ trưởng Trần Đình Hoan “ăn vạ”. Ở báo Xây dựng, tôi đụng đến một quan chức sai phạm, Bộ trưởng gọi lên chỉnh: “Sao không hỏi ý kiến tôi, người ta đang kiện đây này, đừng để ảnh hưởng đến quan hệ của bộ”. Tôi thấy nếu để chủ quản của mình vừa lòng thì phải tròn trịa, khuôn lại thôi. Thế là tôi viết đơn xin từ chức. Trước đó chưa có TBT nào từ chức như tôi”.
“Báo Người Cao tuổi đánh tiêu cực nhiều, nhưng chưa có tờ báo nào lại nhiều bài về các điển hình tiên tiến như báo tôi, TBT Kim Quốc Hoa lấy ngay dẫn chứng: Trong năm 2011 báo có 700 gương người tốt việc tốt (mỗi số báo có 5 gương người tốt), chỉ có 327 bài chống tiêu cực. Đặc biệt là báo của giới cây cao bóng cả, nên tôi không bao giờ cho đăng những tin cướp giết hiếp theo kiểu lá cải”.
Ngồi với ông ở phòng TBT và điện thoại lên tục đổ chuông, kiện tụng, phản ảnh, xin xỏ, đe dọa, mềm dẻo mua chuộc... Đủ mọi hỷ nổ ái ố. Và trên bàn làm việc hàng loạt hồ sơ của những vụ việc tiêu cực đang chờ xử lý.
Cứ nhẹ như không, Kim Quốc Hoa lại xắn tay vào xử lý để ngày mai, báo lại có cả gương người tốt lẫn bài chống tiêu cực.
Người đọc sẽ lại thấy bài viết ký tên Vũ Phong của ông với hàm ý: Sẵn sàng đương đầu trước phong ba bão tố, chấp nhận rủi ro. Không mệt mỏi, lão tưỡng lại xung trận.
Nguồn Tiền Phong
Nguồn Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét