Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

CÒN CON ĐƯỜNG NÀO ĐỂ SỐNG CHO TỬ TẾ?


Tội nghiệp dân tôi, còn con đường nào để sống cho tử tế?
Trong nước không còn đường sống, nghe lời môi giới, thế chấp nhà cửa đi ra nước ngoài mưu sinh. Tưởng rằng sẽ thoát nghèo nhưng làm quần quật vẫn không đủ tiền trả nợ, kiệt sức, thất nghiệp, đói khát, phải đi ăn trộm, và cuối cùng là vào tù...
Đây không chỉ là trường hợp của riêng anh Lê Thế Lộc, mà của rất nhiều thanh niên VN khác muốn thoát nghèo, nhưng cuối cùng lại rơi vào tình cảnh khốn cùng.(Thu Ngoc Dinh·) 

Nhật cảnh báo sau vụ tu nghiệp sinh Việt Nam ‘trộm dê’ làm thịt 


NHẬT BẢN (NV) - Cảnh báo vừa kể được đưa ra sau khi sau khi có hai người Việt bị cảnh sát Nhật bắt giữ rồi công tố Nhật đề nghị tòa án phạt tù họ vì “trộm cắp.”
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Lê Thế Lộc, 30 tuổi và cựu sinh viên Bùi Văn Vỹ, 22 tuổi, bị bắt sau khi bắt trộm hai con dê trong một đàn dê 16 con được nuôi ở công viên Minokamo, tỉnh Gifu, để làm thịt cho một nhóm khoảng 20 người cùng ăn.



Hai người Việt bị đề nghị phạt tù vì trộm hai con dê trong đàn dê được nuôi ở công viên Minokamo, tỉnh Gifu, Nhật. (Hình: Asahi Shimbun)

Vụ bắt trộm dê được xem là nghiêm trọng vì 16 con dê vừa kể đang được Ðại Học Gifu phối hợp với thành phố Minokamo nuôi để thử nghiệm phương thức dùng động vật diệt cỏ.
Theo Asahi Shimbun, một tờ báo tại Nhật, thì Bùi Văn Vỹ đến Nhật để du học và bỏ dở việc học vì không có khả năng trả học phí.
Cựu sinh viên Bùi Văn Vỹ thuê chỗ trọ ở cùng với ông Lê Thế Lộc và trường hợp phạm tội của ông Lộc được Asahi Shimbun khắc họa rất chi tiết.
Ông Lộc, người đã có vợ và một bé gái từng là tài xế taxi tại Việt Nam. Do thu nhập thấp, không đủ sống, lại được một công ty chuyên xuất cảng lao động mời mọc, ông Lộc bàn bạc với gia đình, rồi đem thế chấp cả nhà lẫn đất, vay ngân hàng khoảng 270 triệu (tương đương 1.5 triệu Yen), để sang Nhật làm thuê dưới danh nghĩa tu nghiệp sinh trong Chương Trình Ðào Tạo Thực Tập Sinh Kỹ Thuật (TITP).
TITP là một chương trình do chính phủ Nhật mở ra để giúp công dân một số quốc gia mà chính phủ Nhật lựa chọn có cơ hội làm việc tại Nhật để phát triển kỹ năng nghề nghiệp rồi đem những kỹ năng đó về ứng dụng tại quê nhà. Mỗi tu nghiệp sinh có thể cư trú và làm việc tại Nhật trong ba năm.
Cho đến nay, có khoảng 150,000 tu nghiệp sinh ngoại quốc đang cư trú và làm việc trong 69 lĩnh vực nghề nghiệp tại Nhật theo chương trình TITP.
Qua trường hợp của ông Lộc, Asahi Shimbun cảnh báo chương trình TITP đang bị lạm dụng và đẩy nhiều người vào nghịch cảnh.
Lý do ông Lộc được gia đình ủng hộ trong việc thế chấp nhà đất - vay tiền ngân hàng để nộp cho công ty xuất cảng lao động sang Nhật làm tu nghiệp sinh vì công ty này khẳng định, tại Nhật, nếu làm việc 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, mỗi tháng, ông Lộc có thể kiếm được từ 200,000 Yen đến 300,000 Yen. Ngoài ra nơi ông Lộc làm việc sẽ cung cấp chỗ ở miễn phí.
Tuy nhiên trên thực tế, tháng 3 năm 2013, khi đến trồng cà chua cho một công ty ở tỉnh Nagano, ông Lộc phải làm việc 20 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần. Còn lương chỉ có 80,000 Yen/tháng. Chưa kể mỗi tháng ông phải trả 20,000 yên cho việc thuê “chỗ ở,” trong khi “chỗ ở” là dưới gầm thùng cầu dao điện của một nhà kho chứa nông cụ, có một vòi nước để tắm nhưng không có nhà vệ sinh.
Tính ra mỗi tháng, ông Lộc chỉ còn 60,000 Yen và mỗi tháng chỉ có thể gửi về nhà từ 30,000 đến 40,000 Yen để gia đình trả nợ ngân hàng.
Sau bảy tháng làm việc và ăn ở theo kiểu như thế, ông Lộc kiệt sức và quyết định bỏ việc. Dựa vào những thông tin tuyển dụng được đăng trên Internet, ông Lộc tìm đến xin làm việc cho một công ty cơ khí ở tỉnh Aichi. Tuy nhiên, ông Lộc chỉ có thể làm việc tại đó cho đến tháng 3 năm 2014 thì phải nghỉ làm việc vì giấy phép cư trú tại Nhật hết hạn.
Ông Lộc kể với Asahi Shimbun rằng, ông hoàn toàn bế tắc bởi không có việc làm thì không có tiền gửi về cho gia đình trả nợ ngân hàng và sẽ mất sạch nhà cửa, đất đai. Ở lại Nhật thì thành người cư trú bất hợp pháp còn quay về Việt Nam thì cũng chẳng còn đường sống. Cuối cùng, ông Lộc quyết định ở lại Nhật và giấu tình cảnh của mình không cho người thân ở Việt Nam biết.
Sau khi thất nghiệp, ông Lộc trộm cắp thực phẩm tại các siêu thị ở Nhật để ăn trước khi bị bắt...
Trong vài năm gần đây, nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế liên tục cảnh báo về thảm trạng của những người Việt được các công ty xuất cảng lao động của Việt Nam đưa ra ngoại quốc làm thuê.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Verité - một tổ chức quốc tế công bố kết quả một cuộc khảo sát kéo dài trong hai năm, theo đó, 40% người Việt đến Mã Lai làm thuê bị cưỡng bức lao động.
Chẳng riêng Verité cảnh báo về tình trạng người Việt bị các công ty môi giới lao động bóc lột từ trong nước và bị chủ ngoại quốc bóc lột tiếp khi ra ngoại quốc làm thuê.
Trước nữa, vào tháng 5 năm 2013, American Thinker đăng một bài viết của Michael Benge, lên án chính quyền Việt Nam chủ trương buôn người.
Ông Benge đã đưa ra nhiều dẫn chứng về việc chính quyền Việt Nam chuyên buôn người, qua hoạt động của các công ty xuất cảng lao động. Các công ty này thường có nguồn gốc phức tạp, thường xuyên lừa gạt người nghèo bằng những hợp đồng hấp dẫn (lương cao, điều kiện làm việc lý tưởng). Có những người nghèo phải trả tới 10,000 Mỹ kim cho cái gọi là phí nộp đơn. Vì nghèo, họ được khuyến khích thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng thanh toán các loại chi phí.
Khi ra đến ngoại quốc, họ bị thu hộ chiếu, bị ép ký những hợp đồng khác hẳn những gì đã được hứa hẹn, phải làm việc nhiều hơn, điều kiện làm việc tồi tệ hơn, chưa kể hàng tháng còn phải nộp môt khoản nhất định cho công ty xuất cảng lao động...
Kết quả, người nghèo đi làm thuê ở nước ngoài ngập trong nợ, lệ thuộc vì nợ, gia đình của họ tại Việt Nam thì mất hết tài sản. Ông Benge khẳng định, có nhiều dấu hiệu rõ ràng để kết luận, các công ty xuất cảng lao động đã liên kết với các ngân hàng và các viên chức chính quyền. (G.Ð)

Không có nhận xét nào: