Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

HẾT THỜI HƯỞNG XÁI

Liên Nguyễn
Hết thời hưởng xái.
Ba mươi tám năm, đó là khoảng thời gian để một người hai mươi hai tuổi (vừa xong đại học hoặc sắp xong đại học vào năm 1975) đến tuổi nghỉ hưu.
Hai ngành y và giáo là hai ngành nền móng quan trọng nhất ở bất cứ quốc gia nào. Và có lẽ chỉ ở hai ngành này sau 4/1975 nhiều nhân lực đã phục vụ trong chế độ miền Nam được tiếp tục làm việc dưới danh từ "lưu dung" ( có lẽ với nghĩa bao dung mà lưu lại). Và dĩ nhiên dù họ có năng lực và bằng cấp như thế nào thì suốt thời gian phục vụ họ luôn là nhân viên cấp dưới. Vì bất cứ lãnh đạo ở cấp nào cũng phải là đảng viên.
Lúc giao thời nhiều biến động, ngành giáo khổ sở với những thay đổi đến chới với trong các chương trình giáo dục, lạ lẫm với những giáo điều chính trị được đưa vào mọi cấp. Rồi họ cũng quen dần và khép mình tuân theo để tồn tại.

Ngành y khó khăn hơn nhiều khi tất cả năng lực của thầy thuốc gói gọn trong vài sản phẩm nội hóa đa chức năng: Xuyên tâm liên, khung chỉ...!!!
Dao mỗ, kim khâu, kim chích được nhân viên ngành y kiên nhẫn ngồi mài trên miếng đá mài dao...!!!
Thuốc ngoại, nhất là kháng sinh được chuyển lậu về từ các nước đông Âu, từ những thùng hàng dưới danh nghĩa quà tặng từ các nước tư bản. Rồi nó lưu thông ngoài chợ đen, nơi người ta bán mua mươi viên kháng sinh chẳng khác buôn ma túy.
Cái thời lạ lùng! Giáo sư ngành sư phạm trước 75 là đồng nghiệp, dưới hạng của những người thuộc phe thắng cuộc trình độ 7+2, 10+3. Các bác sĩ giỏi dang, nổi tiếng chờ lệnh của lãnh đạo quân y đặc cách, chuyên tu, tại chức...trong chiến khu ra, trên Trường Sơn xuống...
Những người "lưu dung" đó im lặng tồn tại song song với đồng nghiệp và lãnh đạo mới. Những người lãnh đạo họ không kính trọng nhưng sợ hãi.
Tuy nhiên họ chỉ im lặng chịu đựng trong những cuộc họp mang tính hình thức, nội dung chính trị. Trong chuyên môn họ không chịu đựng được sự sai trái, kém năng lực, kém phẩm chất đạo đức. Cuộc đấu tranh đó âm thầm nhưng mãnh liệt. Họ có thể vì cầu an mà buông xuôi, nhưng đứng trước quyết định sinh tử của con người thì họ đủ dũng cảm.
Nền tảng đạo đức mà họ tiếp thu không cho phép họ nhu nhược. Nhờ thế những hành vi sai trái cả về chuyên môn lẫn đạo đức trong hai ngành y giáo luôn có sự điều chỉnh. Những kẻ kém chuyên môn, nhiều quyền hành khi muốn thực hiện một hành vi sai trái, vi phạm đạo đức cũng phải dè chừng. Trong chuyên môn thì có thể dựa dẫm, hỏi ý hoặc đùn đẩy những việc khó. Dù ra sức chèn ép nhưng không khỏi nể vì.
Quá trình ấy lơi dần, khi mỗi năm những người có tuổi, nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong cả hai ngành trên đến tuổi hưu, và mất.
Vào năm nay, không còn ai trong thế hệ "lưu dung" còn làm việc. May mắn là vẫn còn những người tuy ra trường sau 75, nhưng khi đi học họ được dạy bởi những người "lưu dung".
Không ngạc nhiên trước những sự cố tồi tệ trong cả hai ngành y giáo hiện nay. Vì đó là điều đã được tiên liệu!
Cắt ruột thừa cắt lộn ruột già?! Cắt thận hư cắt lầm thận tốt, cắt amidan cắt luôn dây thanh quản, hộ sinh biến thành hộ tử, chính thuốc ngừa biến thành thi hành án? Bác sĩ, y tá, hộ sinh công khai đòi phong bì. Cấp cứu mà không ứng viện phí thì chờ đưa xuống nhà xác!
Thầy cô giáo thì gây ra đủ thứ chuyện vô đạo đức,ngoài cái chuyện thường tình là chèn ép điểm số để học sinh phải đi học thêm, còn có những chuyện tầy trời: đổi tình lấy điểm, hiếp dâm học sinh, lừa học sinh đem bán...
Tất cả những điều tệ hại ấy từ cái cơ chế cộng điểm ưu tiên mà ra. Lãnh đạo không cần phải là người tài giỏi nhất, đạo đức nhất, mà chỉ cần có lý lịch tốt, là đảng viên?!
Vào ngành sư phạm để ra làm thầy thiên hạ, mà điểm vào thấp nhất trong các ngành?! Đến nỗi người ta nói "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm".
Thời của tôi, những đứa dốt nhất lớp đều có thể thành thầy thành cô (may mà ngoài số đó ra còn có số rất giỏi nhưng lý lịch xấu).
Tại sao chế độ ưu đãi người có công với cách mạng không đơn giản là miễn học phí, cấp học bổng cho con thương binh, liệt sĩ, mà phải cộng điểm? Cha mẹ chết thì không ai nuôi cho ăn học, nhà nước cho ăn học là công bằng. Chứ cha mẹ sống thì nó sẽ được nhiều điểm hơn vì cha mẹ chạy điểm cho nó, nên phải cộng điểm?
Đều bất công đó đã dẫn đến hậu quả ngày nay.
Hết thời hưởng xái "lưu dung" rồi. Nên thời gian tới đây sẽ còn nhiều, rất nhiều những sự cố khôi hài trong hai ngành y giáo.
Nói riêng hai ngành y giáo vì nó là hai ngành sát sườn với người dân, chứ thật ra trong tất cả các ngành khác cũng thế. Hãy nhìn vào ngành báo chí, ngành tư pháp mà xem? Thế hệ cũ mà hưu hết rồi thì ngày càng thêm loạn.
Nói thế không đồng nghĩa là thế hệ trẻ sau này đều là đồ bỏ. Nhưng những người trẻ có ý chí, độc lập, tự học hỏi, có gia giáo...đều tìm đường ra nước ngoài, nếu ở trong nước họ cũng đi làm thuê cho các công ty nước ngoài. Họ không chịu đựng, nhận phần khó, lương thấp như thành phần "lưu dung" đâu.
Đổ lên đầu bà Tiến, ông Luận cả thì cũng không công bằng. Đơn giản vì thời của họ đã hết là thời hưởng xái rồi.
P/s: Bài viết chỉ nói về hiện trạng chung, rất xin lỗi các thầy cô giáo, các y bác sĩ, nhân viên hai ngành y giáo không thuộc đối tượng của bài viết trên.
FB Lien nguyen

Không có nhận xét nào: