Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

LÊ CÔNG ĐỊNH KỂ LẠI CHUYỆN RA TÒA

Lê Công Định
Hôm nay vừa tròn 5 năm ngày vụ án của chúng tôi được mang ra xét xử sơ thẩm. Hôm đó trời mưa tầm tã, lạnh nhất trong mùa lạnh cuối 2009 và đầu 2010 ở Sài Gòn.
Từ 6 giờ sáng chúng tôi đã lên xe, mỗi người đi riêng một chiếc Toyota Innova với đầy nhân viên an ninh ngồi quanh trong mỗi xe. Đoàn xe khởi hành từ đường Nguyễn Văn Cừ, rẽ sang Nguyễn Thị Minh Khai, rồi đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nơi có trụ sở tòa án. Lúc đi ngang Dinh Độc Lập, tôi xoay hẳn người ngắm tòa kiến trúc uy nghi gắn liền với nhiều ký ức của mình từ thiếu thời, rồi nghĩ ngợi biết đâu sau này khu dinh thự ấy lại trở thành dinh tổng thống Việt Nam lần nữa.
Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Lê Công Định tại tòa

Dọc đường xe cộ của người dân bị chận lại để nhường cho đoàn xe đi qua. Do hơn 7 tháng không được thấy cuộc sống bên ngoài ra sao, nên tôi không quan tâm nhiều đến phiên tòa sắp diễn ra, mà chỉ cố tranh thủ nhìn hai bên đường xem cảnh vật và dòng đời đang trôi thế nào. Tôi cố căng mắt như nuốt từng góc phố vốn quen thuộc một thời của mình. Khi bước vào cổng tòa án, nhận ra mình đang đến với tư cách bị cáo, chợt thấy lòng se thắt lại trước khung cảnh mà trước đây tôi thường lui tới thuở còn là sinh viên luật, cũng như lúc làm luật sư biện hộ cho khách hàng ở những vụ án hình sự và thương mại.
Hai nhân viên an ninh xốc nách tôi đi ngang sảnh lớn, rồi rẽ vào khu vực nội bộ của tòa. Lúc ngồi xuống mới giật mình thấy khoảng trên 10 viên cảnh sát mặc sắc phục cầm súng các loại vây xung quanh một mình tôi. Họ nhìn tôi lườm lườm, còn tôi vẫn vui vẻ gợi chuyện để bầu không khí bớt nặng nề và lạnh lẽo. Tán gẫu mới biết họ vừa được biệt phái từ miền Bắc vào để bảo vệ an ninh cho phiên tòa tại Sài Gòn, mà khi nhận lệnh đi chẳng ai biết đi đâu và làm gì. Tôi đùa nói, “chắc cả tiểu đoàn vào đây!” Một anh bảo, “nhờ các anh mà ‘iem’ mới được vào Sài Gòn lần đầu.” Giữa lúc căng thẳng, tôi bỗng nổi thi hứng, làm ngay bài thơ mô tả cảnh chẳng đặng đừng ấy:
Bốn phía công an hãm,
Đầu trâu mặt ngựa đầy.
Một mình nan đối địch,
Cười nói giữa trùng vây.
Trước khi tòa bắt đầu xử, tôi cố nhìn tìm người thân, nhưng chẳng thấy được vì họ không cho bất kỳ ai đến gần chỗ chúng tôi ngồi. Lúc xong phần thẩm vấn, tôi bị đưa ra ngoài phòng xử và chợt thấy dáng chị ruột tôi đứng từ xa, dáo dác ngó quanh, tôi mừng đến chảy nước mắt, cảm thấy lòng ấm lại, dù không được vẫy tay hay bước lại gần hỏi han. Chị gầy đi, nhưng vẫn xinh đẹp như xưa nay. Tôi ước ao được đến ôm chị để nói “em nhớ chị lắm” mà không được, đành dõi theo chị cho đến khi góc nhìn bị che khuất sau bức tường dọc hành lang mà tôi bị dẫn đi.
Đó là phiên tòa lạ. Các bị cáo chỉ được đứng cạnh nhau để nghe viện kiểm sát đọc cáo trạng, luật sư biện hộ và thẩm phán tuyên án. Các nhân viên an ninh thì ngồi cùng ghế bị cáo để canh giữ. Chúng tôi ho một tiếng ngay lập tức tất cả quay lại nhìn dò xét, như thể đó là một mật hiệu mang thông điệp giữa chúng tôi. Tại phần chính của phiên tòa, chúng tôi hoàn toàn bị cách ly với nhau trong lúc thẩm vấn, các luật sư không được hỏi các bị cáo cùng một lúc để đối chiếu lời khai và xác minh sự việc, khiến việc xét hỏi không khỏi phiến diện. Mà thật ra các thẩm phán có cần thẩm vấn nghiêm túc đâu, bởi việc xét xử chỉ đơn thuần dựa trên hồ sơ do cơ quan an ninh điều tra lập sẵn. Một vụ án phức tạp đến thế, tốn nhiều công sức phá án của cơ quan an ninh đến thế, báo chí viết nhiều về những âm mưu tày đình đến thế, nhưng tòa lại xử rất vội vã để nhanh chóng kết thúc mọi vở tuồng trong cùng một ngày. “Án tại hồ sơ” và “án chỉ đạo” là vậy!
Một chi tiết buồn cười mà tôi nhớ mãi. Phần cuối phiên xử, vị chủ tọa tuyên đọc bản án dài lê thê, đã được đánh máy sẵn. Đến trước đoạn tuyên hình phạt, một cô gái trong vai trò trợ lý thư ký phiên tòa bỗng đẩy cánh cửa phía sau lưng hội đồng xét xử bước vào, rồi đến bên cạnh vị chủ tọa trao một tờ giấy khổ A4 từ phía sau. Vị chủ tọa một tay nhận mảnh giấy, một tay vẫn cầm án văn đọc nốt cho xong phần kết luận, sau đó hạ tập giấy vừa đọc xuống bàn, rồi nhìn vào mảnh giấy cô gái vừa trao xướng lên mức hình phạt tuyên cho từng người chúng tôi. Hóa ra, trong lúc vị thẩm phán chủ tọa phiên xử đã bắt đầu tuyên đọc án văn, phần hình phạt vẫn còn được cân nhắc từ đâu đẩu. Những người cầm cân nảy mực thật sự đang ngồi ở một phòng riêng trong khu vực nội bộ của tòa án, trước màn hình tivi to, phát trực tiếp mọi diễn biến tại phiên tòa. Hội đồng xét xử ngoài kia chỉ là những con rối múa may quay cuồng vì đã lỡ ăn cơm chúa.
Lúc đứng nghe tuyên án, tôi suy ngẫm lại nhiều sự việc đã qua từ lúc dấn thân vào con đường này, đến khi bị bắt giam và ra tòa, bao nhiêu điều chưa thể nói ra để mọi người thấu hiểu, nhiều điều muốn giữ cho riêng mình, chỉ tiếc do bất tài nên đại sự dang dở, người thân chịu ảnh hưởng bất lợi. Tự thấy mình đáng trách, tôi làm một bài thơ giữa tòa hôm ấy như sau:
Món nợ nước non chưa trả được,
Bất tài vấp phải hạn nguy nan.
Đành nương thế khó như trù sẵn,
Mặc tiếng mai sau thiên hạ bàn.
Phiên tòa kết thúc lúc 6 giờ 37, chúng tôi bị đưa ngay lên xe, không kịp nhìn thấy người nhà. Về đến phòng giam gần 7 giờ tối, tôi mệt lả người, chỉ tắm vội rồi giăng mùng và ngả lưng. Nằm trằn trọc mãi không ngủ được đến sáng hôm sau, nghĩ thương gia đình làm sao! Nhìn vào tương lai, tất cả chỉ một màu trắng xóa, vô định ở phía trước. Thật là một ngày dài nhất trong cuộc đời vậy!
Sài Gòn ngày 20.1.2015
FB Lê Công Định

Không có nhận xét nào: