Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Những con số tướng lãnh VN: nên hiểu như thế nào

Gs Nguyễn văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan
Nhiều năm trước, một anh bạn làm nghề báo chí nhưng không hẳn là kí giả, đưa ra một nhận xét làm tôi giật mình. Anh nói với tôi: "Ông nói nhiều về lạm phát con số giáo sư và tiến sĩ, nhưng ông không chú ý là VN còn lạm phát về tướng tá." 

Một tay nâng tách cà phê Trung Nguyên, tay kia anh chỉ ra đường nơi một người cảnh sát giao thông đang làm việc, anh nói: "Có thời nào trong lịch sử VN mà trung tá đứng đường phạt vi phạm giao thông?" Nhưng hôm nọ khi nghe Phùng đại tướng nói không phong tướng thì "anh em tâm tư" (1), giờ tôi mới hiểu một chút tại sao VN có nhiều tướng tá. Tôi phải sưu tầm con số tướng lãnh để trước hết là hiểu vấn đề, và sau là để tham khảo sau này.
Số tướng lãnh quân đội 
Con số tướng lãnh hiện chức trong quân đội hình như không được công bố, nên công chúng không biết chính xác được. Đài BBC có nhiều bài viết về tình trạng phong tướng ở VN cũng chỉ đưa ra những con số chung chung như "Con số tướng trong quân đội cũng lên tới hàng trăm" (2). Hàng trăm là bao nhiêu? Thông tin trên wikipedia cho biết đến năm 2008, số tướng trong biên chế là 587 người, nhưng số người còn công tác thì dĩ nhiên ít hơn (3). Con số này có vẻ ăn khớp với một nguồn tin có vẻ "biết chuyện" (4). Theo nguồn tin này thì đến tháng 4/2014, VN có 366 tướng lãnh quân đội, trong số này có 2 đại tướng, 7 thượng tướng, và 272 thiếu tướng. 

Thật thú vị! Con số tướng lãnh tại chức của VN như vậy còn cao hơn cả số tướng lãnh của Tàu cộng. Theo Tân Hoa Xã, thì đến tháng 7/2011, Tàu có 191 tướng lãnh (5), và cấp bậc cao nhất là thượng tướng (6). 

Ở Mĩ, quân đội chắc đông hơn VN, nhưng số tướng lãnh cũng bị giới hạn. Theo wikipedia, Mĩ có luật giới hạn số tướng lãnh tại chức như sau: 230 tướng bộ binh, 208 tướng không quân, và 60 tướng thuỷ quân lục chiến (Marine Corps) (7). Như vậy, tổng cộng số tướng lãnh của Mĩ tối đa là 498, nhưng hiện nay họ có bao nhiêu tướng đang công tác thì chưa tìm thấy nguồn tin nào để biết. Tuy nhiên, tổng số tướng lãnh Mĩ còn sống (đang công tác và đã nghỉ hưu) là 958 người. 

Riêng Việt Nam Cộng Hoà, thì tính từ 1954 đến 1975, chỉ có 164 tướng lãnh (8). Trong số này, 1/3 là được phong từ 1963 đến 1965! Không biết vào năm 1975 thì VNCH có bao nhiêu tướng.
Số tướng lãnh công an

VN có lẽ là nước duy nhất (?) trên thế giới có quá nhiều tướng công an. Con số tướng lãnh công an VN cũng không được công bố. Ngay cả tuần vừa qua, báo chí VN chỉ đưa tin một số người được phong tướng, nhưng không nói đến con số. Có lẽ con số quá tế nhị trong thời điểm hiện tại? Thế nhưng trước đây báo chí cho biết rằng năm 2012 VN thăng hàm tướng cho 48 người, và năm 2011 thì có 58 người. Tuy nhiên, BBC ước tính rằng ngành công an VN "có gần 200 tướng" (9). Nhưng con số này có thể thấp hơn thực tế, vì theo trang wikipedia, thì số tướng công an "đang công tác" [không rõ năm nào] là 350 người (10). 

Ở Úc không có tướng tá cảnh sát. Ở Mĩ thì tôi không rõ, nhưng đọc báo không thấy ai đề cập đến tướng cảnh sát bên đó cả. Thời trước 1975, tôi chỉ nghe 2 tướng cảnh sát của Việt Nam Cộng Hoà là ông Nguyễn Khắc Bình (tư lệnh cảnh sát), và Nguyễn Ngọc Loan (tổng giám đốc cảnh sát).

Tóm lại, nhưng con số trên đây cho thấy VN có lẽ là một trong những nước có nhiều tướng lãnh nhất, nếu không muốn nói là nhiều nhất. Thật vậy, nếu cộng số tướng lãnh quân đội tại chức của quân đội và công an, VN có 716 người mang hàm "tướng". Con số tướng lãnh của VN cao hơn Tàu và Mĩ! Điều thú vị là năm 1975, miền Bắc VN chỉ có 36 tướng. Vậy mà chỉ 40 năm sau, con số đó phình ra gấp 10 lần! 

Ấy thế mà giới quân đội và công an vẫn muốn có thêm tướng, vì nếu không thì "anh em tâm tư" (1). Từ điển Tiếng Việt định nghĩa "tâm tư" là suy nghĩ ở trong lòng, tức là không nói ra. Tôi nghĩ đáng lẽ chữ "tâm tư" đó nên dành cho người dân đang đóng thuế trả lương và bổng lộc cho các vị, vì quả thật nhiều người thấy VN có quá nhiều tướng. Ở Mĩ, giới báo chí và trí thức hiện đang ta thán là họ có quá nhiều tướng, nhưng nếu họ biết con số tướng lãnh ở VN hiện nay, thì chắc họ sẽ ngậm ngùi và xấu hổ "shut up" (im miệng). 

Ở Việt Nam ngày nay, báo chí và giới bình luận thường hay phàn nàn rằng có tình trạng lạm phát giáo sư và tiến sĩ. Nhưng rõ ràng, VN cũng lạm phát số tướng tá quân đội và công an. Điều thú vị là xu hướng lạm phát này nó xảy ra song song nhau, số tướng tá tăng thì số giáo sư tiến sĩ cũng tăng. Nếu lạm phát giáo sư là dấu hiệu của chất lượng giáo dục xuống cấp, thì lạm phát tướng tá nên được diễn giải như thế nào? 

===

Không có nhận xét nào: