Nguyễn Xuân Nghĩa
17-11-2014
Làm quen với cuộc sống tự do. Tất cả đều khiến ta ngỡ ngàng. Hội kiến cùng lớp đàn anh khởi xướng phong trào dân chủ. TS Nguyễn Thanh Giang, bác Phạm Quế Dương, thăm cụ Lê Hồng Hà, buồn vì cụ Hồng Hà đã không còn nhận ra mình. Rồi 10 năm, 15 năm nữa đến lượt mình sẽ không còn nhận ra ai đến thăm giống như cụ hôm nay, nghe tiếng khóc nấc lên của bác Vũ Cao Quận trong điện thoại “Nghĩa ơi, mày về là tao nhắm mắt được rồi… Tao không còn làm gì được nữa rồi, Nghĩa ơi,…” Tim nghẹn lại.
Rồi mình cũng như Bác Vũ và những cụ, những bác trước mình. Tất cả thứ tự bước trên con đường khổ ải này không phải mong các thế hệ sau bước trên con đường dân chủ, nhân quyền thênh thang mang tên Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính… mà mong được sớm lãng quên để thế hệ mai sau dồn sức, dồn tâm, dồn trí cho một nước Việt Nam mới. Buồn vì bỏ lỡ cơ hội thắp nén nhang đầu tiên sớm hơn sau khi ra tù trước bàn thờ cụ Hoàng Minh Chính. Cụ Hồng Ngọc không có nhà nên vợ chồng mình chỉ còn biết tần ngần trước cánh cửa. Mình biết ở nơi ấy cụ không quên mình…
“Chúa ơi, mở…
Vườn Ê Đen,
Bốn nhánh sông,
Xếp chỗ giữa ngàn tinh tú.
Chốn trần ai,
một linh hồn…
đang lên…
Nam mô Thích Ca Mâu Ni
Xin rộng Tòa sen,
Miền cực lạc
Bể rầm luân đã phóng thích một người…
Cho chúng con gửi về trên Hạt Bụi,
Cho chúng con gửi lên một Dẻ Xương
Ở dưới đây nhung nhúc bầy quỷ đỏ
Ở dưới đây ngụy nhận thiên đường
Ở dưới đây NGƯỜI ẤY bị xích xiềng
Ở dưới đây nước mắt cho đồng loại
Ở dưới đây câu rút hộ chúng con..
Chút thảnh thơi..
Hết 2007 rồi, NGƯỜI ẤY không chờ được
Hết 2007 rồi, NGƯỜI ẤY phải ra đi…
(2007, trước ngày tang lễ cụ Hoàng Minh Chính)
… Bỡ ngỡ đến ngạc nhiên, đến sửng sốt, đến nghẹn ngào trào dâng nước mắt… Những đồng đội mới, trẻ trung, uyên bác, cứng cựa… ứng dụng hiệu quả những công nghệ mới, mà thời mình không thể tượng tượng ra… Lớp lớp tạo thành hàng ngang, hàng dọc cùng đi trên con đường của lớp mình đã và đang đi, vượt xa chúng mình, khiến chúng mình trở nên lạc hậu, có học bao nhiêu cũng không theo kịp… rộng lòng, phóng khoáng… sự hảo tâm từ Hải ngoại vào Quốc nội chỉ trong những tuần đầu đã đủ cho mình chi trả tiền chữa bệnh… đã đủ tái trang bị cho mình những trang thiết bị mới để tiếp tục làm việc…
Có người nói đấy là sự đền đáp, mình nói, đấy là sự ơn… Họ có thể không đi theo con đường mình đang đi mà vẫn hạnh phúc bên vợ, con, nhà cửa… lại tránh được cảnh tù đày, hệ lụy… Mừng xen lẫn tiếc… Có nhiều người đã bỏ… con đường của chúng ta quá dài về thời gian và không gian nên nhiều người bỏ cuộc… Vẫn biết rằng “Thua cuộc chỉ là một thất bại tạm thời. Bỏ cuộc là một thất bại vĩnh viễn” và dù buồn cũng xin chia sẻ đến những Đà Lạt xưa, nha sĩ Mỹ Dung, Ls Lê Chí Quang và nhiều người khác lòng biết ơn từ quá khứ và sự cảm thông ở hiện tại… Vui đến nghẹn ngào lại được nghe âm thanh từ chị Bảo Khánh ở Vietnam Radio Sydney, tuy hơi muộn…
Sau những năm ở tù… Hầu như phải học lại, từ cái nút bấm của chiếc máy điện thoại thế hệ đầu tiên, đến cách nhận biết các giao diện mới trên màn hình vi tính… cũng khó khăn không kém khi tiếp xúc trở lại với cuộc sống tự do… Sáu năm, ngày cũng như đêm chỉ nghe tiếng chim, bây giờ nghe trở lại tiếng ô tô, tiếng xe gắn máy… đứng trong thang máy bệnh viện, mắt nhìn rõ số lầu mà tay không dám nhấn nút… Nhà chỉ 30m2 mà không thể tìm ra mục kỉnh bởi vì đã quen tìm nó trong xà lim 6m2… Đến nỗi phải bực bội mà thốt lên rằng “Đến nay tôi vẫn chưa quản trị được cái nhà của tôi…” Nhưng có sao đâu… vẫn nhận biết những con chữ trong vài bài viết đầu tiên không lạc hậu…
Chiều tối nay đã cảm thấy khỏe hơn ở bên ngoài, yên tĩnh hơn ở bên trong, vài phút tạm quên hình ảnh chiếc xe chở đoàn người đi viếng đám tang cụ Trần Lâm bị côn đồ công an đất cảng ném vỡ kính sau, khoác thêm chiếc áo nữa cho đỡ lạnh, nhìn lại tờ lịch, “ngày 15/11/2014”… Vậy là mình đang tồn tại ở giữa thời điểm mùa thu đầu tiên của tự do sau 6 năm… Thấy mới hơn hai tháng vậy mà Ba Sao, trại Sáu, An Điềm, cái bịt mồm, hai lần biệt giam, cú tát của gã tù gián điệp Trung Quốc đã xa xôi quá. Chợt trách mình đã có nhiều ngày tự do đến nỗi bắt đầu lãng quên đồng đội trong đó… Những Lê Quốc Quân, Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương… Và đột nhiên ào đến cái cảm xúc ghi nhận được một lần hiếm hoi về mùa thu ở trong tù…
“An Điềm, Quảng Nam, ngày 01/11/2013
Nga và các con thương yêu.
Tối qua bỗng nhiên học không dzô, đêm muộn khó ngủ, dồn về nhiều cảm xúc, không sâu vào chủ đề nào, như cóc nhảy…
Nhận ra rằng ở đâu đây gần lắm có một mảnh đất, nơi Dương Thị Xuân Quý ngã xuống. “Thôi em nằm lại đất này Duy Xuyên…”. Bài thơ viết vĩnh biệt bạn đời của Bùi Mình Quốc, nhiều và nhiều năm sau còn khiến người đọc khắc khoải nếu biết họ là ai, đã sống và chết ra sao trong tiến trình mò mẫm đi tìm chân lý của lịch sử dân tộc…
Và xa hơn chút nữa, đâu như trên dưới 500 cây số, Quy Nhơn, nơi có căn lều để người đương thời ruồng bỏ Hàn Mặc Tử…
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi…
Đợi gió đông về để lả lơi…
Và ngay tại đây, đất Quảng Nam này, bây giờ em và con mới biết, sâu trong dãy núi Đại Lãnh có một nhà tù tên là An Điềm…
Văn nghệ sĩ, dù nổi trên bề mặt, hay đã chìm xuống đáy, đang lấp lánh như sao hay đã thành trầm tích, dù chính thống hay nổi loạn, được ân sủng hay thất sủng đều nhận chung một số phận, một định nghĩa bi ai trong từ điển…
Đầu tháng 10 này, ở trại Sáu, Nghệ An, chợt nghe những ca từ của thơ Xuân Quỳnh…
“Tình ta như rừng cây
Đã qua mùa bão tố
tình ta như dòng sông
Đã qua vùng thác lũ
Kìa bao người vui mới
đã đi cùng heo may
Chỉ còn anh và em/ và mùa thu ở lại…
Chợt nhận ra… một mùa thu nữa lại về. Mùa thu thứ năm ở trong tù.
Đã qua mùa bão tố
tình ta như dòng sông
Đã qua vùng thác lũ
Kìa bao người vui mới
đã đi cùng heo may
Chỉ còn anh và em/ và mùa thu ở lại…
Chợt nhận ra… một mùa thu nữa lại về. Mùa thu thứ năm ở trong tù.
Đang ở tù, lại vùng khí hậu phương nam, gió heo may không tới. Đi qua bốn trại giam, chưa một lần nhìn thấy hoa cúc mà sao đêm nay anh nhận thấy mùa thu rõ nét hơn bao giờ hết. Mùa thu phương bắc? Thật lạ lùng… Nó cũng rất đậm trong nhiều câu thơ, nhiều ca từ, nhạc phẩm của nhiều văn -nghệ sĩ phương nam, dù chưa một lần đặt chân lên đất Bắc… Tỉ như Trịnh Công Sơn “Gió heo may lại về / Chiều tím loang vỉa hè… / Rồi mùa thu bay đi/ Trong nắng vàng chiều nay…” Giờ này tâm trạng của anh là tâm trạng Nguyễn Du mấy trăm năm trước “Buồn trông phong cảnh xứ người/ Đầu hè cúc nhạt, cuối trời nhạn thưa… Và trên cái nền cảm xúc ấy, chợt thấy hình hài của mấy câu thơ sau đây, xin chép lại gửi em:
Hình như là gió heo may
Hình như là lá rơi đầy khoảng sân
Hình như là vợ trở mình
Quàng tay ôm vợ, chạm lung bạn tù.
Chúc em và các con tạm quên anh đặng có một giấc ngủ ấm áp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét