Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

THƯỢNG TỌA THÍCH THANH QUYẾT

GS Nguyễn Văn Tuấn

Một trong những nhân vật thú vị trong Quốc hội là Thượng toạ Thích Thanh Quyết. Ngài có bằng tiến sĩ, và hình như mang hàm giáo sư nữa thì phải. Nói như thế để thấy ngài là bậc có học thức cao và có đức độ. Nhưng phát biểu của ngài trước Quốc hội có vẻ không tương quan với các danh vị khoa bảng và tôn giáo đó.
Mới đây, ngài gây bão dư luận khi nói rằng “So với các nước thì tỉ lệ oan sai của nước ta không nhiều, nhưng dù ít cũng cần phải có giải pháp để hạn chế, khắc phục”. Rất tiếc là ngài không cung cấp con số để minh chứng cho lời nói của ngài. Do đó, chúng ta đành phải đặt câu phát biểu này trong vòng nghi vấn. Nếu ngài nói trong lúc vui vẻ và cá nhân thì chẳng ai nói gì, nhưng ngài phát biểu trước Quốc hội. Một người có bằng cấp tiến sĩ mà phát biểu trước quốc dân như thế thì quả là đáng trách.

Nhưng hài hước nhất phải là câu ngài so sánh những oan sai thời nay với thời Nguyễn Trãi. Ngài nói: “Thời nhà Lê, vua Lê còn xử oan cho Nguyễn Trãi, một công thần của mình trong vụ án Lệ Chi Viên. Nhà Phật chúng tôi, có nghìn mắt, nghìn tay nhưng vẫn có câu chuyện xử oan cho Thị Kính đến khi chết” (1).
Phải nói là ngài Thích Thanh Quyết cũng có khả năng … nguỵ biện. Chuyện ngài so sánh vụ Nguyễn Trãi và các án oan sai thời nay chẳng khác gì so sánh trái táo với trái cam. Đó là một so sánh hết sức vô duyên và vô minh. Hình như ngài không cập nhật thông tin rằng vụ án Lệ Chi Viên là một âm mưu sát hại công thần do một người có liên quan đến hoàng tộc chủ mưu, còn những án oan sai cho hàng ngàn hay hàng vạn vụ trên cả nước mà người ta đang bàn là do sự bất tài của giới hành pháp, tư pháp và toà án.
Cái vô minh của ngài còn thể hiện qua câu liên quan đến “xử oan cho Thị Kính đến khi chết”. Tôi không phải là người am hiểu kinh Phật, nhưng đủ biết rằng Thị Kính được Phật Thích Ca cho siêu thăng thành Phật Quan Âm. Phật nào mà xử oan cho Thị Kính chứ? Chuyện là thế này: Thị Kính bị chồng hiểu lầm và hất hủi nên nàng giả trai đi tu trong chùa; trong vùng có nàng Thị Mầu đa tình mê Thị Kính, một hôm Thị Mầu có bầu, bị quan làng tra khảo nàng khai là có dan díu với Thị Kính, thế là Thị Kính bị sư ông phạt ra ở ngoài cổng chùa. Sau đó, Thị Kính bị bệnh và mất đi, nhưng nàng để lại thư tuyệt mệnh, người ta mới biết nàng là gái và chịu hàm oan quá lâu. Chuyện là thế, chẳng có Phật nào xử Thị Kính cả.
Kiến thức của ngài Thích Thanh Quyết làm tôi nghi ngờ cái chức danh “Thượng toạ” của ông. Rất có thể ông không phải là người tu hành thật, mà đang đóng vai nhà sư. Thật vậy, năm ngoái trong một bài phát biểu ca ngợi công an, ngài Thanh Quyết đề cập đến công an như là “đồng chí”. Ngài nói: “Các đồng chí khám phá được bởi có chuyên môn nghiệp vụ, có nhân lực được đào tạo, tôi luyện tốt, có kinh nghiệm đấu tranh, khám phá án và có phẩm chất cao” (2). Ngoài ra, ngài còn khuyên Việt Nam nên xây dựng quân đội mạnh như … Bắc Triều Tiên! Một người tu hành mà có vẻ quan tâm đến an ninh và quân sự thì quả là hiếm hoi và bất bình thường vậy.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài “Đội lốt”, mà trong đó tác giả Đặng Xương Hùng (một cựu quan chức ngoại giao VN) kể về một sĩ quan an ninh giả dạng nhà sư Phật giáo đi dự hội nghị về tôn giáo ở Âu châu (3). Tôi sợ là ngài Thích Thanh Quyết là một đồng chí của người sĩ quan an ninh mà Đặng Xương Hùng mô tả. Bởi vì nếu ngài là một nhà tu hành thật sự thì ngài không thể nhầm lẫn về chuyện Thị Kính được. Nếu ngài có bằng tiến sĩ thì ngài không thể phát biểu vô chứng cứ như trên. Phật giáo Việt Nam đã và đang gặp đại nạn vì những người như ngài góp phần làm cho người dân hiểu lầm triết lí Phật. Không có một Phật tử chân chính nào có thể hiểu, chứ chưa nói chấp nhận, khái niệm “Đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội”.
NVT

Không có nhận xét nào: