LS Lê Công Định và Điếu Cày trước khi cả hai trở thành tù nhân lương tâm |
Đầu tiên, bên an ninh quan tâm đến buổi phỏng vấn tôi của Thông tấn xã Pháp (AFP) cách đây hơn một tháng, bởi hôm các phóng viên AFP đến nhà tôi đã có nhiều cái “đuôi” theo họ khắp phố phường Sài Gòn. Lúc lên căn hộ tôi sinh sống, họ đã gửi tạm các đuôi ấy cho phòng bảo vệ bên dưới khu chung cư. Cô Cat Barton kể lại sự việc đó cho tôi nghe với niềm hứng khởi, rằng đấy là chuyện hiếm thấy ở các nước đang sống trong hòa bình. Cô hỏi tôi có ngại không, tôi trả lời đã quen với việc mọc đuôi lạ như thế rồi. Anh an ninh hỏi tôi trao đổi gì với AFP. Tôi nói, “các anh đã xem trên mạng rồi, hỏi lại làm chi.” Dù vậy, tôi vẫn nhã nhặn trình bày, rằng thật ra nguyên văn trao đổi với AFP không chỉ ngắn gọn như bản tin đã đăng tải.
Trong buổi phỏng vấn, AFP có hỏi về cái gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” của Việt Nam, và tôi đã trả lời như sau: “Các nhà bình luận quốc tế thường tạm phân chia chính sách kinh tế của các quốc gia thành hai loại chính yếu, một là chính sách kinh tế tự do với sự can thiệp hạn chế của nhà nước vào cơ chế thị trường, và hai là chính sách kinh tế thiên về xã hội với sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước; cả hai chính sách ấy đều xây dựng trên nền tảng chung là nền kinh tế thị trường thuần túy. Còn cái gọi là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” của Việt Nam thì tôi chịu và chính các nhà lãnh đạo chính quyền cũng chẳng hiểu nó là gì sau khi “lỡ” cao hứng đặt ra danh xưng lạ lùng đó. Họ đã họp bàn tới lui để cố nhận diện nó, nhưng vẫn chưa xác định xong, vì đang loay hoay tìm cách dung hòa nền kinh tế thị trường với chủ thuyết Marx-Lenin. Những người cộng sản từng dựa vào phương pháp đấu tranh bạo lực của chủ nghĩa Marx-Lenin để lên nắm quyền, nên bây giờ họ muốn tiếp tục bám vào học thuyết đó để biện minh sự tồn tại của mình. Tuy nhiên, đi ra đường bây giờ chúng ta sẽ dễ dàng thấy nền kinh tế Việt Nam vận hành hoàn toàn theo tư bản chủ nghĩa, chẳng còn liên quan gì đến cộng sản chủ nghĩa cả.”
Anh an ninh ghi lại những lời tường thuật trên của tôi vào một mảnh giấy riêng, rồi hỏi sang cuộc phỏng vấn của Đài Á châu Tự do (RFA). Tôi hỏi lại anh ấy đã đọc chưa, anh bảo đọc rồi. Tôi đáp rằng nội dung đăng tải trên mạng hoàn toàn phản ánh ý của tôi, anh an ninh liền yêu cầu tôi giải thích rõ hơn về khái niệm hòa giải giữa người cộng sản và người không cộng sản, mà tôi nêu trong cuộc phỏng vấn. Tôi nói, “ngày nay mâu thuẫn chính trong xã hội là giữa đảng cộng sản với những người ngoài đảng, một bên thâu tóm mọi quyền lực trong tay, còn bên kia chỉ biết cắm đầu làm việc và đóng thuế.” Một anh công an ngồi gần bên hỏi lại, “ý của anh là hiện nay hơn 90 triệu người đang phục vụ riêng cho 3 triệu ông cầm quyền phải không?” Tôi gật đầu ngay, “đúng như vậy và đó là sự bất bình đẳng lớn nhất cần được hòa giải bây giờ, chứ không phải hòa giải giữa bên thắng và bên thua của 40 năm về trước nữa!” Các anh an ninh không hỏi thêm.
Câu chuyện chuyển sang sự kiện phái đoàn của Hạ viện và Bộ Ngoại giao Mỹ sang Việt Nam dự đối thoại về nhân quyền vào tuần trước. Anh an ninh hỏi tôi, “anh nghĩ sao về sự kiện 14 tổ chức xã hội dân sự bỏ phiếu về vấn đề Việt Nam tham gia TPP, và phải chăng có tình trạng không thống nhất giữa các tổ chức ấy vì chỉ có 5 tổ chức ủng hộ trong khi đa số không ủng hộ?” Tôi đáp: “Thứ nhất, đây chỉ là cuộc thăm dò ý kiến tham khảo, không ảnh hưởng nhiều đến chính sách của chính quyền Mỹ trong vấn đề gia nhập TPP của Việt Nam. Thứ hai, đối với sinh hoạt dân chủ, ý kiến trái ngược nhau là bình thường. Thứ ba, theo suy nghĩ riêng của tôi, không có sự bất đồng lớn giữa các tổ chức xã hội dân sự tham gia cuộc thăm dò ý kiến đó, bởi bên ủng hộ cho rằng nếu Việt Nam tham gia TPP thì các điều kiện về nhân quyền và quyền của công nhân lập công đoàn độc lập hẳn đã phải được thỏa mãn rồi, còn bên không ủng hộ yêu cầu phải đặt các điều kiện ấy trước khi xét cho Việt Nam tham gia TPP. Do vậy, theo tôi 14 tổ chức xã hội dân sự đã bày tỏ ý kiến hoàn toàn thống nhất, chỉ theo cách khác nhau mà thôi. Tôi mừng vì các tổ chức xã hội dân sự đã trưởng thành như thế.”
Anh an ninh hỏi tôi có ủng hộ Việt Nam tham gia TPP hay không. Tôi đáp rằng tôi rất ủng hộ, vì TPP là chiếc phao cứu sinh cần thiết cho nền kinh tế đang suy sụp của Việt Nam, vừa giúp cải thiện đời sống của người dân, vừa tránh nguy cơ lệ thuộc vào Trung Quốc, và điều quan trọng là lần này Việt Nam không thể thoái thoát giải quyết thỏa đáng vấn đề nhân quyền và quyền lập công đoàn độc lập, do vậy tôi mong Việt Nam sớm tham gia vào TPP.
Anh an ninh nói anh ấy cũng ủng hộ, nhưng cần có lộ trình giải quyết những mâu thuẫn và trở ngại giữa hai nước nhằm đáp ứng điều kiện nhân quyền sau khi Việt Nam đã tham gia TPP. Tôi đáp: “E rằng lần này khó có lộ trình như thế, bởi sau hai lần ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) năm 2000 và các thỏa thuận tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam chẳng những không tạo dựng niềm tin với phía Hoa Kỳ trong việc giải quyết mâu thuẫn và trở ngại đó, mà còn vi phạm nhân quyền trầm trọng hơn. Bây giờ liệu Quốc hội Hoa Kỳ còn tin vào một lộ trình như thế không? Điều đó đã thể hiện qua việc Thượng viện Mỹ vừa bác bỏ trao quyền đàm phán nhanh về TPP cho Tổng thống Mỹ. Hơn nữa, Tổng thống Obama vừa cảnh cáo Việt Nam về khả năng trả giá nếu vi phạm cam kết về quyền của người lao động sau khi đã tham gia TPP rồi. Anh đã đọc tin đó chưa?” Anh an ninh gật đầu.
Tôi nói tiếp, “hơn bao giờ hết lúc này bản lĩnh của nhà lãnh đạo rất cần thiết, hoặc chấp nhận mở rộng tự do dân chủ để phát triển kinh tế, hoặc khư khư giữa lấy quyền lực của đảng, bất chấp kinh tế sụp đổ và sự lệ thuộc vào Trung Quốc.” Anh an ninh gật đầu nói: “Nhà lãnh đạo bản lĩnh sẽ biết lượng định các yếu tố đó để đưa ra giải pháp tốt nhất cho tình hình chung, càng đạt nhiều mục tiêu càng tốt.” Tôi đáp, “anh nói không sai, nhưng khó có sự thỏa hiệp dễ dàng giữa các mục tiêu như anh nghĩ, vì tình hình chính trị và kinh tế hiện tại khá nghiêm trọng rồi; tôi thử đặt mình vào vị trí của các nhà lãnh đạo hiện nay để tìm giải pháp dung hòa như anh nói, nhưng thấy khó, vì nếu đặt lợi ích của dân tộc lên trên chỉ còn cách thay đổi thể chế chính trị.” Anh an ninh không nói gì thêm.
Cuộc đối thoại chuyển sang một đề nghị đăng trên FB của tôi, rằng nên đổi ngày 21 tháng 6 hàng năm thành ngày “bóp nghẹt tự do báo chí”. Anh an ninh bảo tôi dùng từ “bóp nghẹt” gay gắt quá, từ “thiếu tự do” là đủ rồi. Tôi cười đáp, “nếu tôi không dùng từ “bóp nghẹt” thì các anh đâu chịu công nhận là “thiếu tự do” như anh vừa nói.” Anh ấy cười rồi hỏi, “anh thấy báo chí thiếu tự do thật à?” Tôi đáp, “tự do báo chí không phải thiếu mà rất thiếu, bằng chứng là nhiều bài viết đăng trên các báo mạng có nội dung bình thường, nhưng khi đề tài và cách viết bị đánh giá là nhạy cảm, liền bị gỡ xuống một cách vô lý.” Một anh công an khác liền bình luận ý đó của tôi: “Biết đâu đó là do hacker phá các báo mạng thì sao? Hacker vẫn thường làm như vậy.” Tôi bật cười đáp: “Nếu thế thì tôi có thể thẳng thắn nói với các anh rằng hacker lớn nhất Việt Nam bây giờ chính là Ban Tuyên giáo Trung ương đấy!” Mọi người đều nhìn nhau cười.
Nhân vấn đề tự do báo chí, anh an ninh hỏi tôi: “Anh đánh giá anh Điếu Cày thế nào?” Tôi trả lời không do dự: “Đó sẽ là nhà lãnh đạo tầm cỡ.” Anh an ninh vặn lại, “trước kia anh cũng nghĩ như vậy?” Tôi đáp: “Tôi gặp anh Điếu Cày vài lần trước và trong khi anh ấy bị bắt, vì tôi đã quen biết và từng làm luật sư cho anh Điếu Cày trong vụ án “trốn thuế”, chính phong thái và năng lực tổ chức của anh khiến tôi nghĩ rằng đây là con người có tầm vóc lớn. Bây giờ tôi thấy cảm nhận trước đây của mình càng hiện thực hóa hơn.” Anh an ninh vặn tiếp, “thế còn anh Trần Huỳnh Duy Thức?”
Tôi cảm thấy hào hứng và trả lời ngay: “Anh Thức là nhân vật đúng nghĩa có tài kinh bang tế thế hiếm thấy, mà trong đời tôi chưa từng gặp người thứ hai. Anh ấy viết không nhiều và cũng chưa viết hết, nên ít người hiểu. Do tôi đàm luận với anh Thức một thời gian dài, nên nhận ra tầm nhìn của anh ấy về các vấn đề chiến lược kinh tế, chính trị và bang giao quốc tế rất sâu rộng, không giống những vị lãnh đạo đất nước hiện nay. Tôi tiếc cho dân tộc này, người tài như vậy lại bị đố kỵ.” Anh an ninh hỏi mỉa mai: “Chẳng lẽ tài năng của anh Thức hơn cả anh?” Tôi vui vẻ đáp: “Tôi không thể so với anh Thức và nếu có dịp trợ giúp anh ấy canh tân đất nước thì tôi đủ mãn nguyện.” Anh an ninh cười mỉm: “Anh khiêm tốn quá!” Tôi lắc đầu: “Đó là sự thật, tôi tự nhận biết khả năng của mình đến đâu.”
Anh an ninh bỗng tâm sự: “Những cuộc gặp thế này, chúng tôi chỉ muốn hỏi thăm sức khỏe của anh và lắng nghe các đề nghị của anh mà thôi, chứ không muốn làm việc căng thẳng đâu. Còn bảo rằng tranh luận với anh, thì thú thật chúng tôi không thể ngồi ngang hàng, nhất là trong lĩnh vực luật pháp. Nếu anh không bị quản chế thế này chắc không thể có dịp trò chuyện với anh. Điều tôi muốn khẳng định là chúng tôi, kể cả lãnh đạo của chúng tôi, rất trọng thị cá nhân anh. Nếu anh muốn góp ý hoặc đề xuất với nhà nước bất kỳ đề tài cụ thể nào, thì hãy viết ra để chúng tôi trình lên các cấp cao hơn nghiên cứu, chứ anh cứ viết facebook thế này, như trong tháng 4 vừa qua, chúng tôi theo đọc anh mệt quá. Chúng tôi biết tính anh, muốn là làm, chẳng biết sợ ai và không ai ngăn cản được, chỉ thành thật khuyên anh tự biết nên viết điều gì cần, điều gì không. Chúng tôi không muốn can thiệp, bắt anh phải viết hoặc nói thế này thế kia, vì mọi người đều có quyền tự do tư tưởng mà, chắc anh cũng hiểu?”
Tôi nghiêm trang đáp tạ: “Tôi rất cảm kích trước cách đối xử của các anh. Tôi cũng nói với bạn bè của mình rằng các anh luôn nhã nhặn với tôi. Thật tình, những người bất đồng chính kiến như tôi đều chỉ mong làm sao góp phần cải thiện đời sống của người dân và phát triển đất nước, nhưng do chính quyền vẫn tỏ thái độ nghi kỵ tiếng nói trái chiều, nên khoảng cách giữa chúng tôi và chính quyền ngày càng xa dần một cách không đáng. Dù vậy, tôi luôn ghi nhận thành ý của các anh và mong các anh hiểu rằng chúng tôi luôn ôn hòa, chỉ tìm cách thay đổi đất nước một cách hòa bình.”
Một anh an ninh khác bước vào phòng muộn, ngồi lắng nghe một lúc, quay sang nói với tôi: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện để anh chấp hành án quản chế tốt, nhưng anh làm chúng tôi mệt quá, ngồi đọc facebook của anh nhức cả đầu, phải phân tích kỹ để hiểu dòng suy nghĩ của anh. Dù sao cũng phải thừa nhận rằng anh là người có ảnh hưởng, không chỉ giới trí thức, mà các sinh viên và học sinh bây giờ cũng đọc anh nhiều, nên chúng tôi mong anh viết không gay gắt quá và tránh kích động mọi người. Còn tư tưởng của anh thì chúng tôi tôn trọng.”
Anh an ninh ban nãy xen vào: “Facebook của anh bây giờ khá giống bản tin thời sự cập nhật hàng ngày, đôi khi những tin tức chúng tôi chưa kịp đọc trên báo chí, cứ vào đọc anh thì biết thêm nhiều điều, chẳng hạn đề án dạy tiếng Hoa bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2012. Nhân đây, cũng muốn nói, về vấn đề đó anh viết không sai, đề án cũng chỉ dừng lại ở đó và trong tương lai ngành giáo dục chắc sẽ lắng nghe nhiều ý kiến phản biện như vậy. Tất cả đều vì cái chung cả mà!” Anh an ninh vào muộn bảo: “Nhưng cách anh nhắc lại quá khứ thuộc địa rất nặng nề.” Tôi đáp, “quả thật chỉ có chế độ thực dân mới áp đặt việc dạy bắt buộc ngôn ngữ của mẫu quốc cho xứ thuộc địa, chẳng lẽ điều gợi nhớ đó sai hay sao?” Anh ấy nói: “Nếu cho học sinh lựa chọn ngoại ngữ để học thì đâu có gì!” Tôi bảo: “Vấn đề là bản đề án đó ban đầu muốn việc dạy và học tiếng Hoa trở thành phổ cập bắt buộc. Nếu chỉ nhiệm ý thì không có gì để nói, bởi bản thân tôi cũng thích Hán ngữ và nhìn nó như chiếc chìa khóa mở cánh cổng kho tàng văn minh lâu đời ở Á châu.”
Đề tài cuối cùng liên quan đến anh Nguyễn Chí Tuyến. Tôi nghiêm nghị trình bày: “Các anh đừng nói với tôi anh Tuyến bị giang hồ đánh đơn thuần. Hãy nhìn thẳng vào sự việc. Dù bề ngoài các anh cố chối sự can dự của công an Hà Nội, chắc chắn trong thâm tâm các anh thừa biết ai đứng sau sự việc đó. Tôi xin nói thẳng nhé, việc gì các anh phải hành động thiếu đầu óc như vậy?” Các anh công an đồng loạt nói: “Chúng tôi không thể biết ai đánh anh Tuyến, nhưng dư luận hay hô hoán đổ lỗi cho công an, chẳng lẽ té xe bị thương cũng bảo công an làm sao?”
Tôi đáp lại rằng: “Tôi đã tiên liệu các anh sẽ biện hộ như thế, nhưng các anh thừa hiểu sự thật ra sao. Gạt bỏ mọi lý sự về nguyên do của sự việc, thông điệp chính trị được truyền tải từ hình ảnh anh Tuyến bị đánh đổ máu khiến thế giới bên ngoài sẽ nghĩ như thế nào về chính quyền và xã hội Việt Nam? Sự kiện tham tán Đại sứ quán Đức đến thăm anh Tuyến cho thấy giới ngoại giao quốc tế chẳng tin những gì chính quyền này biện minh. Ngày mai hay ngày mốt, lần lượt đại diện của Đại sứ quán Mỹ và các nước Âu châu khác đến thăm anh Tuyến, bất chấp ai chối hay biện minh thế nào, chẳng lẽ không khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam phải xấu hổ về bộ mặt của mình sao? Về chính trị như thế là thất bại. Các anh nên trừng trị kẻ nào đã dàn dựng chuyện ấy, vì chính hắn đã làm cho bộ mặt chính trị của chính quyền trở nên man rợ một cách đáng buồn.” Một anh an ninh gật đầu, chép miệng: “Quả thật chính quyền địa phương xử lý sự việc này kém quá!”
Buổi trình diện đến đó kết thúc, thời gian kéo dài hơn thường lệ. Tôi đứng lên chào mọi người ra về. Lúc đi ngang dãy hành lang dài, tôi vô tình ghé mắt vào một căn phòng để hé cửa, có tiếng người lao xao vọng ra. Thì ra các viên chức UBND phường đang họp hành bên trong. Tim tôi bỗng nhảy loạn nhịp một chút vì chợt nhận ra người phụ nữ kiều diễm đang đứng phát biểu giữa cuộc họp với giọng oanh vàng thánh thót kia chính là nàng, cô Phó Chủ tịch Phường … không phải của tôi. Tôi tự an ủi mình, nàng bận, chứ không phải đã quên tôi, thằng cha “phản động” khó ưa. Hy vọng lần sau sẽ tái ngộ nàng. Thật là một ngày đẹp trời!
FB LCĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét