Pages

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam công bố kết quả Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2014



Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển, và hai nhạc sĩ Võ Minh Trí (tức Việt Khang) và Trần Vũ Anh Bình được bầu chọn từ 22 hồ sơ đề cử.
Little Saigon – Hôm nay, ngày 07 tháng 11 năm 2014, trong cuộc tiếp xúc với giới truyền thông việt ngữ tại Thư Viện Việt Nam thuộc Quận Cam, California, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam (MLNQVN) đã công bố danh sách khôi nguyên Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2014, gồm Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển, và hai nhạc sĩ Võ Minh Trí (tức Việt Khang) và Trần Vũ Anh Bình. Những khôi nguyên Giải Nhân Quyền Việt Nam năm nay được bầu chọn từ 22 đơn đề cử từ Việt Nam và hải ngoại.
Giải Nhân Quyền Việt Nam (GNQVN) do MLNQVN thành lập vào năm 2002 và được tổ chức hàng năm nhằm tuyên dương thành tích tranh đấu bất bạo động của những người đã chấp nhận hy sinh, kể cả mạng sống của chính mình, cho lý tưởng nhân quyền và dân quyền của nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, GNQVN còn nhằm bày tỏ sự liên đới, hậu thuẩn và quyết tâm của người Việt khắp nơi trong nỗ lực đấu tranh giành lại quyền làm người cho mọi người dân Việt Nam.

Từ ngày thành lập đến nay, MLNQVN đã tuyên dương và trao tặng GNQVN cho những nhà đấu tranh hàng đầu cho nhân quyền tại Việt Nam. Lễ trao GNQVN năm nay sẽ được long trọng tổ chức vào ngày 7 tháng 12 năm 2014, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 66 tại thành phố San Jose, TB California với sự hợp tác của nhiều đoàn thể người Việt địa phương.
Đặc biệt trong buổi họp báo hôm nay có sự tham dự của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày) vừa từ nhà tù cộng sản Việt Nam đến Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Văn Hải là khôi nguyên Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2008 lúc ông đang còn bị giam trong nhà tù cộng sản. Nhân dịp nầy TS Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã trao tận tay Ông Nguyễn Văn Hải bản tuyên dương mà người đại diện của ông nhận thay vào dịp trao giải năm 2008.
Sau đây là tóm tắt thành tích đấu tranh cho nhân quyền của các khôi nguyên GNQVN năm 2014:
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Là một dòng tu Công giáo, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam (DCCTVN) là một tổ chức khá đông đảo với gần 600 tu sĩ và tu sinh. DCCTVN có 22 cơ sở truyền giáo trên toàn quốc, hoạt động trên khắp đất nước Việt Nam, từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi, tới các vùng sâu xa ít được biết tới. Với truyền thống dấn thân đem lý tưởng tôn giáo vào mọi sinh hoạt trần thế, đặc biệt chú trọng tới những thành phần xã hội bị bỏ rơi, quyền con người bị xâm phạm tước đoạt bất công, DCCTVN trong nhiều năm qua đã có rất nhiều hoạt đông đa dạng nhằm tranh đấu cho “Công Lý và Hòa Bình”, cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Ngoài lãnh vực tự do tôn giáo, bảo vệ sự sống, chống nạn buôn người, bảo vệ dân oan, giúp đỡ đồng bào sắc tộc nghèo và các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, DCCTVN còn tiên phong trong công tác huấn luyện truyền thông ngoài luồng và tổ chức các buổi hội thảo học hỏi về nhân quyền và dân chủ. Cơ quan Truyền thông Chúa Cứu Thế VN (VRNs) có nội dung rất phong phú đa dạng, gồm nhiều chuyên mục về nhân quyền.
Nhưng nổi bật hơn hết, DCCTVN là một tổ chức xã hội dân sự quan trọng có khả năng nối kết các nỗ lực bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người và các nhân quyền căn bản. Ở đây những người hoạt động cho nhân quyền thuộc nhiều thành phần xã hội có cơ hội ngồi lại với nhau, chia sẻ cho nhau những ưu tư về tình hình đất nước và ấp ủ với nhau những ước mơ cho một Việt Nam có tự do và nhân quyền được tôn trọng.
Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Bắc Truyển
Với kiến thức bậc đại học về kinh tế và pháp luật, tuy bước vào đời hoạt động qua ngả thương trường trên cương vị giám đốc xí nghiệp, nhưng ông Nguyễn Bắc Truyển đã đặc biệt quan tâm đến các vấn đề dân sinh xã hội. Ông tận tình hướng dẫn giúp dân oan khiếu kiện và, mặt khác, không ngần ngại công khai thách thức bạo quyền, đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi Tự do - Dân chủ - Nhân quyền tại Việt Nam. Ông viết báo giấy, báo điện tử lên tiếng tố cáo sự thối nát của chế độ đương quyền và giãi bày nổi thống khổ của người dân. Năm 2006, Ông bị kết án 3 năm 6 tháng tù cộng thêm 2 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”.
Ra tù và bị quản chế nhưng ông vẫn theo đuổi cuộc đấu tranh cho Tự Do, tham gia Đảng Dân Chủ Nhân Dân, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, tiếp tục làm tư vấn pháp lý cho các gia đình có thân nhân bị bắt vì tham gia các hoạt động đấu tranh tại Việt Nam cùng vận động tài chính giúp đỡ những cựu tù nhân chính trị và gia đình tù nhân chính trị. Ông thường xuyên bị công an theo dõi và nhều lần bị hành hung. Khi được phỏng vấn về cảm nghĩ của ông về những hành vi đàn áp bạo ngược này, ông đã thẳng thắn trả lời rằng ông không có gì để tự vệ cả, nên ông đành chiu nhưng không vì thế mà ông ngưng tranh đấu.
Hai nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình và Võ Minh Trí (Việt Khang)
Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, bút hiệu Hoàng Nhật Thông, và Nhạc sĩ Võ Minh Trí, bút hiệu Việt Khang là những biểu tượng cho sự trưởng thành và dấn thân của thế hệ thanh niên mới. Hai người được nối kết với nhau bằng lòng yêu mến tổ quốc, bất bình trước những hành động đàn áp, vi phạm nhân quyền và âm mưu bán nước của nhà cầm quyền cộng sản VN. Hai người đã cùng chia sẻ nhiều hoạt động chung, đặc biệt dùng sáng tác ca nhạc để đánh động lòng người, nhất là giới trẻ, cùng tham gia các hoạt động yêu nước, đòi dân chủ, nhân quyền và vẹn toàn lãnh thổ cho đất nước.
Những sáng tác của họ, đặc biệt là hai bản nhạc “Anh Là Ai?” và “Việt Nam Tôi Đâu?” của Việt Khang đã trở thành động lực giúp tuổi trẻ tại Việt Nam vượt qua nỗi sợ hãi, dũng cảm đứng lên đấu tranh, đòi hỏi công bằng, dân chủ, nhân quyền, và toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ QuốcViệt Nam. Chính vì những sáng tác âm nhạc nầy mà Trần Vũ Anh Bình bị kêu án án 6 năm tù giam và 2 năm quản chế , và Võ Minh Trí bị kết án 4 năm tù giam và 2 năm quản chế trong phiên tòa ngày 30 Tháng Mười 2012.
Ngoài lãnh vực sáng tác âm nhạc, Trần Vũ Anh Bình đã cùng một số thanh niên sinh viên thành lập nhóm “Tuổi Trẻ Yêu Nước” vào tháng Tư năm 2011, và trang mạng “Tuổi Trẻ Yêu Nước”, là nơi các bạn trẻ tại Việt Nam dùng để trao đổi phổ biến những ý thức về dân chủ, nhân quyền, dân quyền, và các vấn nạn xã hội khác, và nhất là nạn ngoại xâm từ phương Bắc.

Hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình là biểu tượng của quyền tự do sáng tác và quyền tự do diễn đạt. Ảnh hưởng của các nhạc sĩ nầy đã có tác động sâu rộng nơi quần chúng, làm khơi dậy lòng yêu nước và ý thức về những quyền tự do căn bản khác. Việc chính quyền cộng sản huy động hàng trăm công an cảnh sát ngăn cản dân chúng tham dự phiên tòa xử Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã chứng tỏ sự lo sợ của bạo quyền trước sức mạnh của âm nhạc kết hợp với lòng yêu nước và quyết tâm cho tự do-nhân quyền.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét