Pages

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

“Chèn” nợ xấu 17% vào báo cáo quốc hội: Ai “gài” Thủ tướng?

Phạm Chí Dũng
Dù vừa có cú đại nhảy vọt về phiếu tín nhiệm cao tại chảo lửa quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không thể an vui trọn vẹn với 6 chữ vàng “vừa hợp tác vừa đấu tranh”, khi bất ngờ bị cấp dưới khiến ông trở thành người đỡ đầu cho số liệu nợ xấu đến giờ mới lộ mặt.
17%
“Theo giám sát của Ngân hàng nhà nước, đến tháng 9/2012 tỷ lệ nợ xấu của các TCTD lên đến 17%” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào chiều ngày 19/11/2014.
Ngay lập tức, phóng viên trang Infonet của báo giới nhà nước đã không bỏ qua con số 17% này để làm đậm đà một tin tức dù thuộc về quá khứ nhưng mang tính tiết lộ và thừa nhận bế tắc trong hiện tại.

Lần đầu tiên trong lịch sử công bố nợ xấu của lãnh đạo Chính phủ đã xuất hiện con số 17%. 
Tỷ lệ nợ xấu 17% trong hệ thống ngân hàng lại trùng khớp với con số nợ xấu 500.000 tỷ đồng - lần đầu tiên được Thống đốc Nguyễn Văn Bình như cố ý công bố tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội diễn ra ngay trước kỳ họp quốc hội lần thứ 8.
Một câu hỏi hết sức ngáng trở bật ra là con số 17% trên xuất phát từ đâu - bộ tham mưu của Văn phòng chính phủ, hay Ngân hàng nhà nước?
Không khó để hiểu ra trong thói quen làm việc của hệ thống hành chính chính phủ, tỷ lệ 17% trên nếu không phải do Văn phòng chính phủ tự nghĩ ra, hẳn phải được khởi thảo từ cơ quan chuyên môn đắc lực là những lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước như Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Đến lúc này, cần lật lại câu chuyện công bố nợ xấu và sự thật về đức tính lật lọng của nó. Trong tất cả những lần công bố trước của Ngân hàng nhà nước - cơ quan có biệt tài “nhảy múa” về số liệu - chưa bao giờ nợ xấu được “minh bạch” trên 10%.

Thói dối trá bệnh hoạn 
Từ năm 2011 khi bắt đầu xuất hiện khái niệm nợ xấu cho đến tận gần đây, có ít nhất 10 lần Thống đốc Nguyễn Văn Bình và cấp phó của ông “múa” số liệu tỷ lệ nợ xấu. Nợ xấu liên tục bị “điều chỉnh” chóng mặt. Chẳng hạn vào tháng 8/2011 khi Nguyễn Văn Bình tiếp nhận ghế thống đốc, nợ xấu ngân hàng được công bố chỉ mới 3%, nhưng đến tháng 6/2012 tại một kỳ họp quốc hội đã vọt lên 10%. Để sau đó lại “chìm” về 4-5%... 
Chi tiết đáng lưu ý là hai tháng trước khi ông Bình trở thành thống đốc mới vào năm 2011, cơ quan xếp hạng tín dụng có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã kịp nêu ra tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam là 13%, gấp 4 lần số báo cáo của “người Việt xấu xí”.
Cho đến đầu năm 2014, một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế khác là Moody’s đột ngột công bố tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam lên đến 15%. Công bố này được phổ biến rộng rãi trên truyền thông thế giới và càng làm cho Chính phủ Việt Nam khổ tâm trên con đường minh bạch hóa chưa bỏ được thói bưng bít và bất nhất thông tin. 
Có lẽ chịu áp lực nặng nề của dư luận, từ hệ thống chính trị quá khó thuận hòa, từ tâm trạng “mất mặt” của cấp trên và cũng không còn cách nào khác, thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa phải xuất hiện để “cải chính”. Cho rằng con số của Moody’s chỉ mang tính tham khảo, ông Nguyễn Văn Bình xác nhận rằng tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam “9% là hợp lý”.
Tất nhiên trong bối cảnh nợ xấu còn lâu mới được xử lý và vẫn đang tăng lên từng ngày, câu chuyện “nhảy múa nợ xấu” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn lâu mới chấm dứt vũ điệu động kinh của nó. 
Căn bệnh động kinh ấy đã bị chỉ mặt điểm tên: “thói dối trá bệnh hoạn của giới quan chức ngân hàng”.
Nguyễn Văn Bình - người được một số dư luận ấn định là “cấp phó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” - cũng bị xem là người đã đóng góp “một phần không nhỏ” vào công cuộc nhiệt thành làm giàu cho các nhóm lợi ích ngân hàng nhưng lại khiến lụn bại thị trường tín dụng, điên đảo thị trường vàng cùng một nền kinh tế quặt quẹo chỉ trong ba năm kể từ khi ông ta nhậm chức thống đốc.
Uy tín của Thủ tướng?
Những câu hỏi tiếp theo cần phát triển là tại sao không phải vào những năm trước mà chỉ đến giờ này Thống đốc Bình mới chịu tiết lộ con số nợ xấu? Tại sao “cánh tay phải của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” lại “quyết liệt” giấu nợ xấu lâu đến thế? Để “bơm thuốc” cho các nhóm lợi ích ngân hàng nhằm kéo dài cơn ung thư giai đoạn cuối? Vì cái ghế thống đốc hay hiến dâng cho “uy tín chính phủ” vào buổi hoàng hôn trước Đại hội đảng 12?
Và gần nhất, câu hỏi rất đáng mổ xẻ về động cơ cá nhân là “tỷ lệ nợ xấu lên đến 17% vào tháng 9/2012” vừa công bố trước Quốc hội lại không phải do lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước báo cáo, mà được phát ra từ chính miệng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phải chăng đó là thủ pháp đầy tiểu xảo và lọc lõi để Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa thoát trách nhiệm tự làm xấu mặt mình trước gần 500 đại biểu quốc hội và khối cử tri, nhưng lại đạt được mục đích hợp thức hóa một sự thật quá khó để bào chữa lẫn cứu vãn về nợ xấu bằng cách “mượn” vai trò Thủ tướng phát ngôn?
Thế nhưng cũng như bao nhiêu lần trước, điều hết sức đáng tiếc và cũng thật đáng buồn vào lần này là rất có thể chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không hề biết 17% là số liệu tỷ lệ nợ xấu được cấp dưới của ông “gài” vào báo cáo. Và ông lại càng không biết vào tháng 9/2012, một cấp dưới của ông - Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước - đã công bố tỷ lệ nợ xấu là 8,82%, khác xa con số 17% trên, ngay tại phiên họp chính phủ thường kỳ do Thủ tướng chủ trì!
Có cảm giác như đã từ lâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị những nhân vật ma mãnh của nhóm lợi ích ngân hàng biến thành “bù nhìn” của họ. 
Buồn thay, chưa bao giờ thói dối trá chính trị của Ngân hàng nhà nước lại kiến tạo ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Thủ tướng như hiện thời.
Nguồn Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét