Pages

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Đại tướng tâm tư, đại gia trăn trở.

Người Buôn Gió
 
Đại tướng tâm tư.

Đại tướng bộ trưởng quốc phòng Việt Nam phát biểu trước quốc hội, ông sợ anh em sẽ tâm tư khi không được phong tướng.

Dư luận dấy lên nhiều lời chế giễu về sự tham lam của các tướng lĩnh quân đội cũng như cái cách mà ông Thanh vòi vĩnh ở quốc hội.

Nhưng ít ai thấy được đằng sau những lời ông Thanh nói là hàm ý gì.?

Thứ nhất ông Thanh dùng từ '' anh em ''. Lẽ ra ở trước quốc hội, ông Thanh là bộ trưởng, giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước, ông không thể dùng từ bỗ bã như gọi các đồng chí trong bộ của mình là '' anh em ''.

Vậy tại sao ông Thanh gọi các đồng chí trong bộ quốc phòng là '' anh em ''.

Từ '' anh em '' ở đây có nghĩa là một nhóm người có quan hệ mật thiết , gắn bó với nhau. Nói theo nghĩa đẹp của linh tráng là tình đồng đội chung một lý tưởng, cùng xông pha chiến trường để bảo vệ tổ quốc. Cùng có những lúc gian nguy  sinh tử hay những lúc khốn khó măng rừng, củ sắn thay cơm......

Nhưng đó là thời chiến đấu, giờ là thời làm kinh tế. Cái từ '' anh em '' kia hàm ý là một nhóm người có lợi ích gắn bó với nhau, như một băng đảng, như một công ty, một tập đoàn.  Từ '' anh em '' mà ông Thanh dùng trước quốc hội là một lời nhắc nhở cho quốc hội rõ là bộ quốc phòng của ông là một '' gia đình '' trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Nếu các bạn xem phim Bố Già, sẽ thấy lời ông Thanh tựa như lời nói của một trong '' ngũ đại gia đình Maphia, Gangxto'' trong cuôc gặp của các bố già toàn nước Mỹ. Kiểu như '' gia đình '' chúng tôi sẽ rất khó nghĩ về chuyện này nếu địa bàn, phần mối làm ăn kia...không được như ý.  Điều này được hiểu thêm nữa là một lời đe doạ, là sẽ có chiến tranh giữa các đại gia đình.

- tôi sợ anh em tâm tư.

Hiểu đúng nghĩa của câu ông Thanh nói trước quốc hội, đó là một lời đe doạ của các tướng lĩnh bộ quốc phòng. Tuy rằng nó được che đậy khéo léo trước những từ ngữ êm ái. Quân đội nhân dân Việt Nam có lời thề, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Trong trường hợp này  quốc hội là cấp trên cao nhất, ông Thanh là người lính lớn nhất của quân đội. Ông thừa hiểu mệnh lệnh, ý chí của cấp trên ban ra là thế nào, tại sao một người lính lại phải '' tâm tư '' trước quyết định cấp trên. 

 Trừ khi có ý định muốn uy hiếp cấp trên mới nói câu đó.

Ông Thanh so bì bên công an, ở Hà Nội giám đốc công an là trung tướng thì tư lệnh quân khu thủ đô cũng phải trung tướng. Mới đầu tưởng ông Thanh so bì phi lý, vì quân đội và công an chức năng khác nhau. Nhưng thực ra là ông Thanh so có lý, vì cả quân đội và công an Việt Nam ngày nay mục tiêu chính là bảo vệ chế độ , bảo vệ Đảng.  Trong lãnh vực này công lao của quân đội không kém gì công an, hãy nhìn mục chống '' diễn biến hoà bình '' mà báo Quân Đội Nhân Dân phát động và những cuộc tập trận chủ đề đàn áp nhân dân khiếu kiện dưới cái mác '' chống khủng bố có vũ khí ''...thì thấy.

Ý ông Thanh tóm lại là thế này.

- Chúng tôi cũng là lực lượng bảo vệ chế độ, công lao chúng tôi kém gì bên công an, nếu chúng tôi không được bằng họ, chúng tôi sẽ không bảo vệ chế độ ( chưa kể có thể là lật đổ chế độ ) tốt như chúng tôi đang làm.

Quốc hội Việt Nam cũng tức là ĐCS VN hay chế độ VN sau một chút giật mình đã hiểu nghĩa bóng của câu nói đó. Lập tức chuẩn y cho '' anh em '' ông đại tướng bộ trưởng quốc phòng.

Chúng ta quan sát sẽ rút ra được điều gì ở đây.?

Hãy gạt bỏ những bài viết rơm rác hay những phát biểu ba lăng nhăng về chủ nghĩa, về dân tộc, về tinh thần phụng sự tổ quốc của dăm loại bồi bút  gắn mác giáo sư, tiến sĩ, nhà báo, nhà văn quân đội ấy đi. Đấy chỉ là những cái loa được trả tiền để gây nhiễu người nghe. Chả có lý tưởng hay chủ nghĩa, đất nước, dân tộc nào ở đây cả. Chỉ có một nhóm người có vũ trang đòi hỏi quyền lợi của mình ý như một băng đảng yêu cầu thêm địa bàn. Và nhóm người đó chính là lực lượng quân đội chính quy của môt chế độ ( nói chế độ đúng hơn là nói của đất nước ).

Đó chính là sự tiềm ẩn nguy hiểm của chế độ này. Khi một chế độ phải ban phát lợi lộc cho những kẻ bảo vệ mình, có nghĩa chế độ đấy sắp tan rã lúc nào không biết. Cũng như những đôi yêu nhau vì tiền chứ không phải tình yêu, quân đội Việt Nam qua lời ông Thanh cũng như vậy. Ngày hôm nay ông Thanh so bì chức tước với bộ công an, chuyện tương lai ông so bì những hợp đồng kinh tế với các bộ khác sẽ chả có gì lạ.

Lạ lùng là người ta bảo dân phải học tập tấm gương khiêm nhường của chủ tịch Hồ Chí Minh, của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng trong trường hợp ông Thanh đòi thêm chức tướng cho quân đội, chả có một tờ báo nào, một quan chức, một dân biểu hay một trí sĩ nào mang tấm gương đạo đức của HCM hay VNG ra để làm tấm gương khuyên nhủ ông Thanh cả. Vì sao, vì động đến quyền lợi sát sườn thì chủ nghĩa, đất nước, dân tộc chưa cản nổi thì đừng nói đến uy tín cá nhân nào, kể cả có là lãnh tụ.

Việc ông Thanh đòi hỏi quốc hội thông qua việc phong thêm tướng. Cho thấy quân đội vừa là bảo vệ chế độ, nhưng khi không được như ý sẽ chả biết thế nào. 


Đại gia trăn trở.

Đại gia Huỳnh Uy Dũng của đất Bình Dương đã công khai đối đầu với chính quyền tỉnh Bình Dương trong một vu kiện tụng đất đai.

Buồn cười nhất là có tờ báo khuyên nhủ hai bên. Đại khái ông Dũng làm căng thì chính quyền Bình Dương khui ra vụ ông bán  dưới danh nghĩa góp vốn lời 300 tỷ. Còn phía chính quyền là ông Cung sẽ bị khui đến chuyện sở hữu hàng trăm hecta cao su và biệt thự nguy nga.

Tờ báo khác thì nói bóng gió là cứ thế này hai bên sẽ đều thiệt. Nên nhường nhịn nhau.

Nghĩa là chả có luật pháp nào ở đây. Chủ nghĩa xử lý '' làm sao cho mọi việc hài hoà '' luôn được trọng dụng tối ưu trong các tranh chấp, khiếu nại ở Việt Nam. Bởi thế nó khiến pháp luật Việt Nam lằng nhằng như canh hẹ, cùng một vụ hai quan chức cấp sở đập cốc bia vào đầu nhau toé máu được xử lý hài hoà, hai bên lỡ tay , chụp ảnh  cầm tay nhau thân thiết. Cũng tương tự người dân hắt bia vào quan chức bị xử tù vì tội làm nhục và tấn công người khác.

Trong cái chủ trương '' xử lý hài hoà '' này mục tiêu được đặt là bảo đảm quyền lợi cho chế độ ( Đảng CSVN ) đầu tiên. Sau đó đến các quan chức từ thứ tự cao xuống dưới. Tiếp đó đến loại dân có tiền, dân ít tiền và cuối cùng là dân không có tiền. Pháp luật Việt Nam dựa trên chủ trương như thế để áp dụng.Trong xã hội Việt Nam ngày nay, chúng ta không nên gọi đó là sự bất công, hãy gọi đó là sự '' công bằng của CNXH '' cho đúng bản chất chế độ.

Nhưng chuyện công bằng pháp luật tạm gác ở đây, không lôi thêm dẫn chứng vì quá nhiều.


Ở đây chỉ nói tiếp đến chuyện đại gia trăn trở với cách làm của chính quyền. Và có ý định đối kháng mạnh, không những bằng văn bản mà còn là hành động. Việc ông Dũng Đại Nam ban lệnh miễn phí vé vào khu vui chơi trước khi đóng cửa, khiến hàng chục nghìn người đổ xô về Đại Nam. Tạo nên một đám đông tụ tập khủng khiếp nhất từ trước đến nay mà một cá nhân không phải quan chức làm được.  Ít ra 50 % số hàng chục ngàn người kéo tới Đại Nam sẽ mang máng hiểu vấn đề là do sự chống đối của một đại gia với chính quyền địa phương. ý thức về chống đối chính quyền sẽ có trong tiềm thức của họ. Đó là một sự nguy hiểm cho chế độ trong tương lai.

 Đã có nhiều đại gia bị bắt, mặc dù các đại gia này khi làm ăn đều có người chống lưng. Nhưng khi người chống lưng về hưu, khi phe cánh đấu đá, các đại gia lần lượt bị lôi ra làm thịt để dằn mặt nhau.

Sẽ có nhiều đại gia phải trăn trở khi nhìn những đại gia khác vướng vòng lao lý như Hà Văn Thắm, Nguyễn Đức Kiên, Minh Sâm...hay vướng vòng kiện tụng, o bế như Huỳnh Uy Dũng.

Một số đại gia sẽ tìm cách chống đỡ theo kiểu bỏ tiền, chia cổ phần cho các người lãnh đạo mới để họ chống lưng. Nhưng cách đó cũng chả đảm bảo % trong cuộc đấu đá liên miên. Gương của Bầu Kiên và Thắm Bắc Giang sờ sờ ngay đó.

Huỳnh Uy Dũng dù nói thế nào cũng là một đại gia đáng can đảm hơn nhiều đại gia khác. Nếu chọn cách chia phần cho ông Cung chưa chắc đã có chuyện hãm việc thông qua quy hoạch dự án của mình. Hành động miễn phí vé vào cửa Đại Nam hiểu theo nghĩa khác thì chính là phát tiền cho người dân đi biểu tình. Một hành động đối kháng đầy ẩn ý.

Đó cũng là một lời đe doạ từ phía các đại gia với sự tồn vong của chế độ này.


Kết luận.

Rõ ràng chúng ta thấy, lực lượng nắm quân đội tức nắm người và lực lượng nắm kinh tế tức tiền của như trên, trong tương lai sẽ là những lực lượng đối kháng đe doạ sự tồn vong của chế độ này. Một khi quyền lợi của họ bị đụng chạm. Đây là những lực lượng mạnh nhất theo đúng nghĩa  đen có thể làm cuộc thay đổi thể chế.

Trước sau việc đó cũng sẽ xẩy ra, bây giờ nó đã nảy mầm rồi.

Một thể chế thay đổi bởi những lực lượng như vây , chả hy vọng gì mang lại điều tốt đẹp cho nhân dân ngay lập tức. Không là chế độ quân phiệt  cũng là chế độ tài phiệt. Một thể chế mới như vậy hy vọng có thể mang lại tương lai tốt cho đất nước là rất xa, nó chỉ xảy ra trong trường hợp các cường quốc yêu cầu bộ máy chế độ mới phải có vài nhân vật dân chủ nào đó tham gia, các cường quốc mới công nhận và thiếp lập quan hệ. Và từ những nhân tố đó sẽ xoay chuyển dần đất nước đi vào quỹ đạo tiến bộ.

Nhưng nếu thế cờ như vậy, chuyện dân chủ, tiến bộ cũng vẫn còn xa và gian nan bởi nhiều việc phải làm.

Kịch bản nữa đẹp như mơ là các nhà dân chủ hô hào nhân dân biểu tình, đình công làm tê liệt chế độ. Dẫn đến chế độ nhượng bộ và giải tán, bầu cử dân chủ. Nhân dân tha hồ lựa chọn những Gan Đi, Mandela, San Suu Kyl, Vaclav Havel nhãn hiệu Madein Việt Nam.


Tái bút ; bài viết dưới góc nhìn giải trí, miễn bình luận nghiêm túc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét